4 BƯỚC TẠO RA NEO CẢM XÚC TÍCH CỰC


Bạn có thể tạo neo cảm xúc cho hầu hết những cảm xúc tích cực mà bạn cần như tự tin, thư giãn, có động lực hoặc cảm giác yêu thương. Một khi bạn đã quyết định được cảm xúc mà bạn muốn “neo” lại, hãy làm theo bốn bước sau đây.

Bước 1. Chuyển vào trạng thái cảm xúc cao độ

Bằng cách nào? Hãy nhớ lại thời điểm trong quá khứ lúc bạn có cảm xúc này. Chuyển đổi dáng vẻ điệu bộ của bạn giống với dáng vẻ điệu bộ của bạn lúc đó, đồng thời điều khiển những giác quan nội tại để tăng cường độ cảm xúc của bạn.

Giả sử bạn muốn tạo ra neo cảm xúc điềm tĩnh tự tin. Vậy thì hãy nghĩ tới lần cuối mà bạn cảm thấy cực kỳ tự tin trước đây. Hãy khoác lên mình dáng vẻ điệu bộ của bạn vào thời điểm đó. Hãy đứng cách bạn từng đứng, thở cách bạn từng thở và thể hiện nét mặt giống như khi bạn hoàn toàn tự tin. Hãy hình dung trong tâm trí những hình ảnh bạn đã nhìn thấy, những âm thanh bạn đã nghe thấy và cảm nhận những gì bạn đã cảm nhận. Và bây giờ, trong thang điểm từ 1 đến 10, hãy tăng cường độ cảm xúc của bạn lên mức tối đa (10) bằng cách làm cho những hình ảnh bạn thấy to hơn, sáng hơn và đặt dưới góc nhìn của bạn. Hãy bật âm thanh lớn hơn, gần hơn và nhất là hãy nói với bản thân những gì bạn đã nói khi bạn cảm thấy cực kỳ tự tin. 

Bước 2: Ở cường độ cảm xúc cao nhất, hãy thực hiện neo cảm xúc

Một khi bạn cảm nhận được bạn đang ở mức cảm xúc cao nhất (thang điểm 10), hãy thực hiện neo cảm xúc của mình. Loại neo cảm xúc tốt nhất là sự phối hợp giữa neo âm thanh và neo cảm nhận. Ví dụ, bạn có thể giơ cao nắm đấm lên trời và hét lên “Được!” (hoặc “Tuyệt vời!”). Bạn cũng có thể vỗ tay hoặc búng tay. 

Bước 3. Thoát khỏi trạng thái cảm xúc. Lặp lại bước 1 và 2 ít nhất năm tới mười lần

Bạn cứ tiếp tục làm như vậy nhiều lần cho tới khi neo cảm xúc thật sự được cài đặt vào não bộ của bạn. Thông thường chỉ cần năm tới mười lần là đủ. 

Bước 4. Thử nghiệm neo cảm xúc vừa tạo

Cuối cùng, hãy thử nghiệm neo cảm xúc mà bạn vừa tạo. Trước tiên, hãy chuyển vào trạng thái cảm xúc trung hòa. Lần này, thực hiện neo cảm xúc mà bạn vừa tạo, giơ nắm tay lên trời và hét to “Được!”. Bạn có lập tức cảm thấy tự tin trở lại không? Nếu có, tức là neo cảm xúc vừa rồi đã được cài đặt thành công.

Cách tốt nhất để thử nghiệm là áp dụng neo cảm xúc này vào một trường hợp thực tế, khi bạn cảm thấy mất tự tin. Bất cứ khi nào bạn ở trong tình huống như vậy, hãy lập tức thực hiện neo cảm xúc vừa tạo để có được cảm xúc tích cực. 

Nếu bạn suy ngẫm về việc này, mỗi khi bạn “vô tình” tạo ra một neo cảm xúc nào đó, thật ra bạn đã trải qua bốn bước trên. Đó là lý do tại sao một số người luôn có cảm giác yêu đương lãng mạn mỗi khi nghe tiếng nhạc nền trong phim “Titanic”. Khi khán giả xem phim, những hình ảnh, âm thanh trong phim đặt họ vào trạng thái cảm xúc lãng mạn cao độ. Vào các giây phút cao trào, nhạc phim “My heart will go on” lại trỗi lên (thực hiện neo cảm xúc tại đỉnh điểm xúc cảm). Các nhà đạo diễn cứ liên tục làm vậy trong suốt bộ phim cho tới khi neo cảm xúc được cài đặt thành công vào người xem. 

Lời cảnh báo: Đừng bao giờ áp dụng kỹ thuật này vào những nỗi sợ hãi tột độ và ám ảnh. Nỗi ám ảnh, bản thân nó là một neo cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi có thể đè bẹp những neo cảm xúc tích cực khác.

CÀI ĐẶT NEO CẢM XÚC CHO BẢN THÂN ĐỂ THÀNH CÔNG


Bạn đã sẵn sàng chưa? Tôi muốn bạn hãy chọn ra năm cảm xúc tích cực nhất mà bạn muốn có sẵn để sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. 

TẠO NEO CẢM XÚC CHO NGƯỜI KHÁC

Trong những khóa huấn luyện của tôi, các học viên phải đi qua một cây cầu gỗ có chiều rộng cỡ 13 cm và được treo ở độ cao cách mặt đất khoảng hai tầng lầu. Một học viên của tôi đã mất bình tĩnh khi leo lên miếng gỗ này.


Thế là tôi gọi anh xuống để giúp anh xua tan trạng thái cảm xúc tiêu cực. Tôi bảo anh hãy hình dung bản thân mình trở về thời điểm trong quá khứ khi anh cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tự tin. Ngay khi anh đạt được cảm xúc này, tôi giúp anh tăng cường độ cảm xúc của mình lên. Khi cảm xúc của anh đạt đến đỉnh điểm, tôi liên tục chạm vào vai anh và hô to “Được!”. Tôi lặp lại quá trình này vài lần. Sau đó, tôi bảo anh trèo lại lên cây rồi tôi chạm vào vai anh, đồng thời nói to, “Được!”. Ngay lập tức, tư thế và nét mặt của anh thay đổi. Anh cảm thấy cực kỳ thoải mái, mạnh mẽ và bước qua miếng gỗ một cách đầy tự tin.


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...