ĐIỀU GÌ ĐÃ NGĂN CẢN HẦU HẾT MỌI NGƯỜI KHÔNG ĐỨNG RA THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI MÌNH?


Tại sao có quá nhiều người phó mặc cho dòng sông cuộc đời đưa đẩy họ đến đâu thì đến? 

1) Niềm tin giới hạn 

Nhiều người chỉ biết mơ tưởng về những điều mà họ muốn có mà thôi. Khi cần cam kết và quyết tâm hướng đến một mục tiêu và kế hoạch cụ thể, họ lại nản chí hoặc chỉ thấy những phiền toái. Trong họ vang vang một giọng nói, “chẳng có cách nào đâu”. Đối với họ, công việc này quá khó hoặc đơn giản là họ không có khả năng làm việc đó. 

Nếu bạn không phá vỡ những định kiến về bản thân trong quá khứ, bạn sẽ không bao giờ dám đặt ra mục tiêu đưa bạn lên một tầm cao mới. 

2) Người đời không biết rõ thật ra mình muốn gì 

Cũng không hẳn là họ không biết mình muốn gì. Đúng hơn là hầu hết mọi người đã thôi không dám nuôi dưỡng những giấc mơ lớn. Tôi tin rằng khi còn bé, tất cả chúng ta đều có những ước mơ và trí tưởng tượng bay bổng về tương lai: chúng ta muốn đạt được những gì và trở thành người như thế nào. Tuy vậy, năm tháng qua đi, chúng ta lớn lên chứng kiến nhiều thất bại chua cay, nhiều thực tế bẽ bàng đến nỗi phần trí năng phân tích lý lẽ và phán xét thực tại của ta trở nên khắc nghiệt và cấm ta không tiếp tục dệt mộng nữa để khỏi bị thất vọng.

Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra hào hứng về việc gì, một hồi chuông cảnh báo trong ta sẽ nổi lên, “Này chuyện đó không làm được đâu”, “Mày không thể làm được điều này”, “Đó là điều không thể”, “Lớn rồi, thực tế chút đi”. (Đó cũng có thể là âm vang giọng nói của các bậc cha mẹ nếu họ quá nghiêm khắc và thẳng thắn). Kết quả, điều này làm thui chột suối nguồn sáng tạo trong bạn, làm phai nhạt nỗi khát khao trong bạn – những yếu tố mà bạn cần có để thiết kế cuộc đời như cách bạn thật sự mong muốn.

Do đó, bạn cần học cách tháo gông cùm cho trí tưởng tượng và giải thoát cho tính sáng tạo của bạn... khỏi nỗi sợ hãi và những điều cấm kỵ, để bạn có thể tự do mơ ước và cảm thấy thật sự phấn chấn trước những gì mà bạn hằng mong muốn trong đời.

3) Nỗi sợ thất bại 

Nỗi sợ thất bại, sợ bị từ chối, phản đối hay sợ xấu hổ chắc chắn sẽ làm hầu hết mọi người tê liệt và mất hết nhuệ khí ngay ở bước “khởi đầu nan”. 

Tôi gặp một người không bao giờ dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào, chỉ vì cô sợ đến ghê người khi nghĩ đến cảnh mình thất bại và không đạt được điều mà cô hướng đến trong tâm tưởng. Sâu thẳm trong lòng cô tự nhủ, nếu mình không mong đợi gì hết thì mình đâu có thất bại. 

Điều này có nghĩa là những người liên tục đề ra mục tiêu cho mình không sợ thất bại chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng hết thảy mọi người trên đời ai cũng không thích và sợ bị thất bại, trong đó có cả tôi nữa. Vậy thì điều gì mang lại cho họ sự can đảm dám đưa ra những mục tiêu xa vời và phấn đấu vươn tới cho bằng được? Vấn đề là ở chỗ những người ấy có cách định nghĩa riêng về thất bại. 

Tôi muốn hỏi bạn câu này: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết mình không bao giờ thất bại?”. Thế nào bạn cũng sẽ bật dậy và đi làm những việc bạn chưa bao giờ dám làm, đúng không? Tôi tin chắc là vậy. Thế sao bây giờ bạn không bắt tay vào thực hiện những điều đó? Rốt cuộc, bạn không cách nào thất bại được, trừ phi bạn bỏ cuộc không làm nữa thôi. Chính động lực này đã giúp tôi làm được những điều không tưởng. 

4) Ham muốn một cuộc sống dễ dãi êm đềm

Phần lớn mọi người không dám mạo hiểm bởi vì họ thích có một cuộc sống dễ dàng nhàn hạ, được bao bọc bởi những thói quen thoải mái và những điều kiện vật chất có sẵn mà họ không muốn đánh đổi. Trừ phi cuộc sống tiện nghi này bị đe dọa, bằng không họ sẽ chẳng làm bất cứ điều gì đòi hỏi một ý chí sắt đá và kỷ luật nghiêm ngặt. 

5) Việc đặt mục tiêu không mang lại hiệu quả

“Tôi cũng đã thử đặt mục tiêu đấy chứ nhưng chẳng được tích sự gì”, “Tôi biết nhiều người cũng đề ra mục tiêu hẳn hoi nhưng họ chẳng bao giờ đạt được nên đã bỏ cuộc!”. Đó là những câu nói mà tôi thường nghe thấy nhất. Câu trả lời của tôi là, “Không phải việc đặt mục tiêu không mang lại hiệu quả mà là bạn chẳng làm gì hết!”.

Xin nhớ rằng nếu bạn chỉ ngồi đó đặt mục tiêu không thôi thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được điều mình mong muốn. Mặc dù đây là việc làm đầu tiên và quan trọng trong công thức dẫn đến thành công, nếu bạn không theo đuổi mục tiêu bằng cách vạch ra chiến lược rồi bắt tay vào hành động, rồi lại thay đổi chiến lược sau khi nhận thông tin phản hồi từ các va chạm thực tế, thì thử hỏi làm sao bạn có thể thành công!

Khi bạn không đạt được điều mình muốn, đó chỉ đơn thuần là thông tin phản hồi mà bạn nhận được trong hành trình vươn tới thành công của bạn mà thôi.  

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...