Chúng ta nhận thức về mọi việc chủ yếu thông qua việc tưởng tượng hình ảnh (nhìn thấy) và tạo ra âm thanh (nghe thấy). Chúng ta cũng có khuynh hướng nói chuyện với bản thân bằng giọng nói bên trong (độc thoại).
TẤT CẢ những hình ảnh bạn hình dung, những âm thanh bạn tạo ra và những gì bạn đối thoại với bản thân đều tác động đến cảm xúc của bạn.
Một số người có thói quen nhận thức về mọi việc theo cách khiến họ u phiền từ ngày này sang ngày khác. Những người khác lại làm ngược lại, nên lúc nào trông họ cũng vui phơi phới.
Ví dụ, khi chuông báo thức reng vào buổi sáng thì việc gì sẽ xảy ra?
Đối với một số người, tiếng chuông đó sẽ khiến họ tự động phát ra tiếng nói bên trong đầu, “Mấy giờ rồi? Sao mình phải dậy sớm thế? Mình còn ngủ được bao lâu nữa? Thôi ngủ thêm năm phút nữa thôi”.
Sau đó, trong đầu họ bắt đầu vẽ ra những gương mặt họ không muốn gặp, những công việc họ không thích làm... nhưng không thể né tránh sau khi thức dậy. Với những hình ảnh như vậy, liệu họ sẽ cảm thấy như thế nào? Đa số sẽ cảm thấy chán nản và tiếp tục ngủ. Cuối cùng, họ ngủ quên và trễ giờ làm... lẽ tất yếu là họ mang tâm trạng tồi tệ suốt cả ngày.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một số người khác có thể nhảy bật ra khỏi giường, phấn khởi và tràn đầy sinh lực mỗi buổi sáng không? Đơn giản là vì họ chạy một chương trình hoàn toàn khác biệt trong tâm trí. Nhận thức của họ về thế giới cũng khác biệt hoàn toàn.
Ngay khi tiếng “reng...reng...” của chuông báo thức vang lên, họ sẽ nghe tiếng nói bên trong (có thể rất lớn và đầy hăng hái), “Chà! Sáng rồi. Phải dậy thôi. Có rất nhiều thứ mình cần phải làm. Thật tuyệt nếu mình có thể hoàn tất chúng hôm nay”.
Sau đó, họ nghĩ về những công việc hào hứng mà họ sắp làm trong ngày và cảm giác vui sướng khi họ hoàn tất những việc đó. Điều này khiến họ ngay lập tức nhảy ra khỏi giường, năng lượng tràn trề cho một ngày mới.
Một lần nữa, cách bạn nhận thức về những việc xảy ra, sự kiện, hành vi của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc mà bạn tạo ra cho bản thân.
Đối với một số người, trong lần vấp ngã đầu tiên, họ sẽ ngay lập tức tạo ra những hình ảnh và âm thanh tồi tệ nhất có thể trong tâm trí. Trong đầu họ sẽ chiếu đi chiếu lại một đoạn phim mà trong đó, họ đóng vai kẻ thất bại, làm hỏng hết mọi việc trong hiện tại và cả tương lai sau này. Bên tai họ luôn văng vẳng một giọng nói thầm bảo, “Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi cơ chứ?”, “Tôi lúc nào cũng làm hư bột hư đường hết”.
Khi nhận thức mọi việc bằng cách này, họ tự đặt bản thân họ vào trạng thái cảm xúc tệ hại nhất. Họ sẽ cảm thấy nản lòng, mệt mỏi và lo sợ đến mức không dám hành động nữa.
Đa số những người thành công mà tôi biết, chọn việc nhận thức về thất bại theo cách giúp họ duy trì cảm xúc tích cực. Khi gặp chuyện không như ý, thay vì tự mình vẽ lên những viễn cảnh đen tối và thảm hại, họ hình dung tất cả những triển vọng có thể xoay chuyển tình thế. Họ nghĩ đến kết quả mà họ muốn đạt được sau cùng và tự nhủ với bản thân, “Tôi rút ra được kinh nghiệm gì từ thất bại này?”, “Làm thế nào để tôi chuyển bại thành thắng?”.
Nhờ vậy mà họ luôn cảm thấy tự tin và có động lực để tiếp tục hành động cho đến khi thành công mới thôi.
Còn bạn thì sao? Bạn thường kích hoạt “chương trình” nào mỗi ngày? Bạn thường nhận thức mọi việc như thế nào? Nếu bạn toàn chạy những chương trình có hại và không giúp bạn đạt được mục tiêu, hãy thay đổi và “chuyển kênh” ngay từ bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét