Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh


Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh bao gồm hai yếu tố nền tảng và bốn bước cơ bản. 

Hai yếu tố nền tảng đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi vì chúng quyết định việc bạn có làm theo đúng các bước hay không. Hai yếu tố đó chính là: hệ thống niềm tin và những giá trị sống của bạn.

Hệ thống niềm tin của bạn quyết định những gì bạn mong muốn hoặc khao khát, cũng như việc bạn có bắt đầu hành động để đạt được những điều đó hay không. Nếu bạn có những niềm tin tiêu cực như “Việc này quá khó”, “Tôi còn quá non nớt”, “Làm được việc đó là điều không tưởng” hay “Tôi không có đủ khả năng”, thì gần như chắc chắn là bạn sẽ không đặt ra những mục tiêu to lớn và đầy cảm hứng cho bản thân. 

Hơn nữa, những niềm tin tiêu cực về bản thân, cũng như cái nhìn bi quan về hoàn cảnh hiện tại của bạn, sẽ khiến bạn “bỏ cuộc” ngay cả trước khi bắt đầu. Hoặc chỉ cần gặp phải một chướng ngại nhỏ trên đường, thay vì kiên trì hành động theo những bước cơ bản trong Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh cho tới khi đạt được kết quả như ý, bạn sẽ bỏ cuộc. 

Những giá trị sống cũng giống như những nút bấm cảm xúc điều khiển hành vi của bạn. Ðó là những thứ bạn xem trọng trong cuộc sống (vì thế chúng được gọi là “giá trị sống”).


Cách nhìn nhận của mỗi người về những giá trị sống như “thành công”, “tự do”, “an toàn”, “tình cảm”, và “hạnh phúc” rất khác nhau. Ðồng thời, thứ tự sắp xếp các giá trị này trong tâm trí mỗi người sẽ quyết định những lựa chọn và hành vi của họ.


Ví dụ, một số người có động lực làm giàu mạnh mẽ bởi vì họ muốn điều đó mang lại cho họ sự an toàn. “Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, tôi luôn có một nguồn dự trữ đáng kể”. Trong khi đó, một số người khác cũng có cùng mong muốn làm giàu, nhưng họ lại lấy động lực từ những giá trị sống khác như “tự do” chẳng hạn. “Tôi muốn kiếm đủ tiền để có thể được tự do” (tự do bỏ công việc nhàm chán hiện tại, tự do lựa chọn làm công việc yêu thích của mình, tự do về thời gian,...).

Ðiều quan trọng nhất, cho dù những giá trị sống của bạn là gì, chúng cũng cần phải tương ứng với những mơ ước của bạn. Lý do khiến nhiều người cảm thấy không có động lực thực hiện ước mơ của mình là vì những giá trị sống của họ không tương ứng, thậm chí tương khắc với những mơ ước đó 


Bước 1. Đặt ra mục tiêu rõ ràng



Bước đầu tiên để đạt được những gì bạn mơ ước là bạn phải biết chính xác mình muốn gì. 


Ða số mọi người đều nói rằng họ muốn thành công trong cuộc sống, nhưng nếu hỏi họ muốn thành công cụ thể như thế nào thì phần lớn sẽ trả lời: “Tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ muốn thành công” hoặc chỉ đưa ra những câu trả lời chung chung như “Tôi muốn hạnh phúc”, “Tôi muốn có nhiều tiền hơn”, “Tôi muốn có công việc tốt hơn”, “Tôi muốn bớt lo lắng”,...


Rõ ràng, nếu bạn không có một mục tiêu xác định, bạn sẽ không có thứ gì cụ thể để bạn tập trung thời gian và sức lực đạt được hay vươn tới. Ðó là lý do tại sao nhiều người, sau một thời gian cố gắng, cuối cùng phát hiện ra rằng họ đã đi lạc hướng và rốt cuộc chẳng đi được tới đâu cả. 


Không những thế, nếu bạn không có một mục tiêu cụ thể, bạn cũng không thể xây dựng một chiến lược thích hợp để đạt được nó. Chiến lược để kiếm 200.000 đô la hoàn toàn khác với chiến lược để kiếm 20 triệu đô la.


Chỉ khi hiểu rõ mục tiêu của mình là gì, hình dung được nó sống động trong đầu mình, bạn mới bắt đầu thật sự có được mục đích trong cuộc sống, và những việc bạn cần phải làm để chinh phục mục tiêu đó cũng sẽ trở nên rõ ràng.



Chỉ mới 8 tuổi, Tiger Woods đã đặt ra mục tiêu phá hết mọi kỷ lục của môn đánh gôn và trở thành tay gôn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Anh đã hoàn thành mục tiêu này 13 năm sau vào lúc 21 tuổi. Bằng cách nào ư? Khi nhìn thấy rõ mục tiêu của mình, anh đã không ngừng nỗ lực tập luyện và thi đấu trong suốt 13 năm trời để đạt được nó. Nếu không có một mục tiêu rõ ràng như thế, có lẽ Tiger Woods sẽ không bao giờ thể hiện hết (hay tận dụng được hết) tiềm năng của chính mình, và cũng sẽ không thành công rực rỡ như ngày hôm nay.


Một người khác là Steven Spielberg. Vào lúc 12 tuổi, cậu bé Steven đã nói rằng mơ ước của mình là kể những câu chuyện tuyệt vời cho cả thế giới, thông qua những bộ phim làm rung động lòng người. Mục tiêu cụ thể này đã hướng anh đến việc tận dụng toàn bộ thời gian rảnh để làm phim. Sáu năm sau, khi chỉ mới 18 tuổi, anh đã bắt đầu bước chân vào phim trường Universal. Không chỉ dừng lại ở đó, với một mục tiêu hết sức cụ thể trong đầu cùng những năm tháng lao động kiên trì bền bỉ, Steven Spielberg đã dần dần thu thập được những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để làm ra được những bộ phim kinh điển như “Danh sách Schindler” (Schindlers list), “Giải cứu binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan),... Cho đến nay, Steven đã sáu lần trở thành ứng cử viên sáng giá của giải Oscar dành cho đạo diễn phim tài năng nhất và đã hai lần nhận được giải thưởng này.


Người cuối cùng mà tôi muốn nói đến trong ví dụ này là Bill Clinton. Có phải do may mắn mà ông xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm khi Ðảng Dân Chủ Mỹ đưa ông lên tranh cử Tổng thống không? Dĩ nhiên là không. Chỉ có một mục tiêu rõ ràng cùng với bao năm tháng kiên trì với chiến lược đúng đắn mới có thể giúp Bill Clinton trở thành vị nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất thế giới.


Vốn là con trai của một góa phụ nghèo sinh sống tại một bang nghèo nhất nước Mỹ, định mệnh dường như không hề ưu ái Bill Clinton chút nào... Tuy vậy, chàng trai Bill từ khi còn rất trẻ đã có một hoài bão và một mục đích sống rõ ràng: đó là giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người bằng việc lãnh đạo đất nước hùng mạnh nhất thế giới – nước Mỹ. Mục tiêu đó rất cụ thể và nó trở thành động lực thúc đẩy anh nhiệt tình tham gia vào tất cả các hội đoàn ở những trường anh từng học để thu thập kinh nghiệm chính trị cũng như lãnh đạo. Thậm chí có thời kỳ, anh còn bị cấm nắm giữ thêm bất cứ vị trí nào khác trong các hội đoàn chỉ vì anh đang kiêm nhiệm quá nhiều vị trí lãnh đạo. Trong quyển sách hồi ký của mình – “Lịch sử sống” (Living History) – bà Hillary Clinton kể lại, ngay từ thời còn là sinh viên đại học Yale, Bill Clinton đã khẳng định với mọi người mục tiêu to lớn của mình rằng, một ngày nào đó, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.
  
Bước 2. Phát triển một chiến lược hợp lý

Mọi mục tiêu đều có thể đạt được. Vấn đề nằm ở chỗ chiến lược của bạn như thế nào.


Một lần nữa, mục tiêu của bạn càng rõ ràng thì bạn càng dễ phát triển một chiến lược phù hợp.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang là chủ một cửa hàng bán trái cây nhỏ với thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng. Hãy giả sử bạn đặt ra mục tiêu nâng thu nhập lên 15 triệu mỗi tháng. Ðiều đó có thể thực hiện được không? Dĩ nhiên là được và thậm chí không mấy phức tạp. Bạn có thể làm việc siêng năng hơn, tăng giá bán lên một chút, kéo dài thời gian mở cửa, bán thêm hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi, hoặc tạo ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng thân thiết.


Vậy giả sử bạn đặt ra mục tiêu kiếm được 300 triệu mỗi tháng từ công việc bán trái cây của bạn. Nó có thể thành hiện thực không? Hầu hết mọi người sẽ nói: “Tất nhiên là không, không cách nào kiếm được bao nhiêu đó tiền từ một quầy bán hoa quả được”. Ðúng thế! Kiếm được 300 triệu mỗi tháng chỉ với một quầy hoa quả nho nhỏ gần như không tưởng. Nhưng nếu bạn thay đổi hoàn toàn phương pháp buôn bán của một cửa hàng hoa quả nhỏ lẻ thông thường, thì mục tiêu trên có thể thành hiện thực không? Ðiều này hoàn toàn có thể! 


Chiến lược mà bạn có thể sử dụng là nghiên cứu làm sao để nhân rộng (thay vì chỉ đơn giản mở rộng) công việc kinh doanh bằng cách: viết ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết, tăng vốn thông qua kêu gọi đầu tư, tập trung vào tìm kiếm những loại trái cây ưu việt, tăng chủng loại trái cây, xây dựng thương hiệu, tìm những nguồn cung cấp trái cây đáng tin cậy với giá rẻ hơn, xây dựng hệ thống cửa hàng hoặc nhượng quyền trên toàn quốc. Lúc đó việc kiếm 300 triệu mỗi tháng có trở thành sự thật không? Tất nhiên là được, thậm chí con số thật sự có thể lớn hơn thế rất nhiều lần. 

Rõ ràng, với sự linh động trong chiến thuật, bạn gần như có thể đạt được bất cứ mục tiêu gì.
  
Tôi khám phá được một điều rằng: những người có khả năng đạt kết quả vượt trội thường sử dụng những chiến lược rất khác biệt so với đại đa số mọi người. Chiến lược sáng tạo cộng với sản phẩm và dịch vụ độc đáo!

Bước 3. Hành động kiên định 


Bước thứ ba là hành động kiên trì và bền bỉ dựa trên chiến lược mà bạn đã tạo ra hoặc học hỏi được. Bằng cách này, bạn sẽ từ từ tiến gần tới mục tiêu, từng bước một. Hành động kiên định là yếu tố phân biệt giữa kẻ mơ mộng hão huyền với người thật sự thành công rực rỡ.

Rất nhiều người thừa thông minh để biết họ phải làm gì, nhưng tiếc thay, họ hầu như chẳng bao giờ chịu bắt tay vào hành động. Ðó là lý do tại sao đa phần những người đó dù rất giỏi giang nhưng vẫn trở thành người làm thuê cho các doanh nhân là những người đôi khi học hành chỉ ở mức trung bình.

Ðơn giản là vì mặc dù bạn thông minh hơn, nhưng họ lại cố gắng và hành động nhiều hơn, nhất là kiên định hơn. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên đọc sách, tham gia các khóa học ngắn hạn, rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý công việc... Nói cách khác, họ không bao giờ ngừng học hỏi (một dạng hành động kiên định). Chính vì thế mà họ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn.  

Ðể thấu hiểu được điều này, trước tiên bạn cần phải biết rằng, động lực để bạn hành động xuất phát từ một hay nhiều trạng thái cảm xúc mà bạn đang trải qua. Những cảm xúc như chán nản, lười biếng,... sẽ lập tức vô hiệu hóa khả năng hành động của bạn. Ngược lại, những cảm xúc như hăng hái, phấn chấn, tự tin,... lại kích thích bạn hành động và hoàn thành công việc của mình.  

Khả năng định hướng và điều khiển trạng thái cảm xúc của mình để dẫn đến những hành động tích cực và vươn tới những thành công cao nhất được gọi là kỹ năng làm chủ bản thân.

Bước 4. Biến thất bại thành bài học kinh nghiệm

Khi bạn đi theo những chiến lược đã đặt ra và kiên định hành động, chỉ có hai khả năng xảy ra. Khả năng đầu tiên là bạn đạt được thành công ban đầu và tiếp tục tiến xa hơn nữa để cuối cùng đạt được mục tiêu của mình. Tuy vậy, không phải lúc nào bạn cũng đạt được những mục tiêu đề ra. Bạn có thể hành động một cách đầy quyết tâm và kiên định, nhưng cuối cùng lại thu được kết quả không mong muốn. Nhiều người gọi đó thất bại. 


Nhìn chung, con người có 3 cách phản ứng khi gặp thất bại.

1. Bào chữa, biện minh, đổ lỗi và nhanh chóng bỏ cuộc

2. Kiên trì hành động nhưng với cùng một chiến lược không đổi

3. Liên tục rút kinh nghiệm, linh hoạt thay đổi chiến lược và kiên trì hành động cho tới khi thành công 


Vậy thì mô thức hành động mà những người thật sự thành công thường thể hiện là gì? 

Mỗi khi chưa đạt được mục tiêu, họ không bao giờ xem đó là thất bại. Thay vào đó, họ xem nó là một phản hồi từ thực tế nhắc nhở họ phải nhìn lại toàn bộ chiến lược và quá trình hành động của mình. Có thể chiến lược họ sử dụng không hiệu quả, hoặc họ đã không dồn đủ sức lực vào những thời điểm quan trọng. Sau đó họ sử dụng những phản hồi này để rút kinh nghiệm và lập tức linh hoạt thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược trước khi tiếp tục hành động lần nữa. Nếu họ vẫn không thành công, họ sẽ phân tích những phản hồi kỹ lưỡng hơn nữa, tiếp tục điều chỉnh chiến lược và vẫn kiên trì cố gắng. Họ tiếp tục vòng lặp này cho tới khi đạt được mục đích. Họ quyết tâm làm mọi việc cần thiết trong khuôn khổ pháp lý và đạo đức để thành công

Vì thế, hãy nhớ mỗi lần bạn không đạt được điều mình muốn, đó chính là cách mà cuộc sống “phản hồi” lại cho bạn biết những thông tin cần thiết. Ðiều bạn cần làm là biết “lắng nghe” và phân tích những phản hồi ấy, bởi chúng rất quan trọng cho thành công của bạn trong tương lai. Chúng giúp bạn biết cách điều chỉnh chiến lược của mình sao cho hợp lý, cho tới khi bạn có được một chiến lược đủ tốt, giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu.


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...