NGHỆ THUẬT CỦA VIỆC CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA


Có hai cách để bạn làm được điều này, đó là: chuyển hóa nội dung (bên trong) và chuyển hóa bối cảnh (bên ngoài).

Chuyển hóa nội dung (bên trong)

Chuyển hóa nội dung là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn thoạt đầu được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực thông qua việc xem xét nó với nhiều cách nhìn hay từ nhiều góc nhìn khác nhau. Xin hãy nhớ rằng bất cứ sự việc nào cũng mang trong nó nhiều ý nghĩa. Chính ý nghĩa mà bạn chọn để tập trung vào mới là ý nghĩa đích thực đối với bạn. 

Cách tốt nhất để thực hiện chuyển hóa nội dung là đặt ra câu hỏi, “Việc này còn có ý nghĩa nào khác không?”, “Ý nghĩa mà tôi đang nhìn thấy có làm tôi mạnh mẽ lên hay chỉ khiến tôi thêm tuyệt vọng?”.

Ví dụ, nếu tình trạng suy thoái kinh tế lại xảy ra đúng vào lúc bạn bắt đầu mở công ty, bạn có thể thực hiện chuyển hóa nội dung bằng cách tự nhủ, “Tốt lắm! Điều đó có nghĩa là các chi phí kinh doanh như giá thuê văn phòng, trang thiết bị, tiền trả lương nhân viên sẽ thấp hơn trước, cho phép ta xúc tiến mọi việc nhanh hơn”.

Hoặc bạn có thể nói theo cách này, “Cũng tốt! Điều đó có nghĩa là khách hàng tiềm năng sẽ chịu khó lắng nghe nhà cung cấp nào mang đến cho họ giá trị cao hơn với mỗi đồng tiền mà họ bỏ ra”. Có vô vàn lý do giải thích tại sao việc mở công ty trong thời khủng hoảng lại là một việc làm đáng khích lệ!

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai đó nói với bạn, “Con trai tôi cứ lép bép nói luôn miệng”. Bạn có thể điều chỉnh lại lời than phiền đậm màu tiêu cực này bằng cách trả lời, “Tốt quá, như thế có nghĩa là cháu có nhiều ý tưởng trong đầu” hoặc “Chắc là cháu nó rất thông minh”.

Nếu người bạn yêu thương bỏ rơi bạn đi theo một người khác thì hãy đảo ngược nỗi mất mát này bằng cách tự nhủ: “Thế cũng may, như vậy mình có thể tìm được một người thật sự yêu thương mình” hoặc “Điều đó có nghĩa là mình có thể tìm được một ai đó quan tâm tới mình hơn, xinh đẹp hơn và chung thủy hơn”.

Chuyển hóa bối cảnh (bên ngoài)

Chuyển hóa bối cảnh là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn thoạt đầu được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực thông qua việc thay đổi bối cảnh mà bạn nhìn nhận nó.

Bạn đã từng có một kinh nghiệm tồi tệ, nhưng 5 năm sau khi nhìn lại bạn có thể nói, “Thật là một may mắn mà đến bây giờ mình mới biết”? Rõ ràng, trong một bối cảnh khác (chẳng hạn như trong tương lai), ý nghĩa của cũng cái kinh nghiệm ấy có thể “tự nhiên” thay đổi từ xấu sang tốt.

Trong khi thực hiện chuyển hóa bối cảnh, bạn đặt ra câu hỏi, “Vào một thời điểm khác và ở một nơi khác, liệu điều này có phải là một điều có lợi?”.

Rõ ràng, một việc có vẻ tiêu cực vào lúc này nhưng khi đặt vào một thời điểm khác hoặc nơi chốn khác lại có vẻ như rất tích cực đấy chứ.

Quay trở lại ví dụ ban đầu về việc kinh doanh trong khủng hoảng, bạn có thể thực hiện chuyển hóa bối cảnh bằng cách nói, “Khi kinh tế khởi sắc, công ty của mình sẽ có lợi thế vận hành tốt vì nó đã được thử lửa trong cơn suy thoái kinh tế”.

Bạn cũng có thể chuyển hóa bối cảnh với cậu nhóc hay nói kia bằng cách nói, “Khi lớn lên, cháu sẽ là một người có khả năng diễn thuyết” (thay đổi về thời gian), hoặc “Hay nói như thế, cháu sẽ có lợi thế trong những cuộc tranh luận ở trường” (thay đổi về nơi chốn).

Bạn có nghĩ ra được cách chuyển hóa bối cảnh nào cho việc, nếu giả sử, người bạn yêu thương bỏ rơi bạn đi theo người khác không?

Và bây giờ hãy hình dung bản thân bạn hay một người bạn quen biết trải qua những hoàn cảnh như sau. Bạn có thể chuyển hóa những việc có vẻ tiêu cực đó để củng cố sức mạnh của mình hay của bạn mình như thế nào? Hãy dành thời gian để nghĩ ra càng nhiều cách càng tốt để chuyển ý nghĩ tiêu cực thành tích cực cho mỗi sự việc. Bạn đã cầm bút và sẵn sàng chưa?

Chuyển hóa những kinh nghiệm sau đây

1. Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:............. 

2. Tôi mất toi 500 triệu đồng vì một quyết định kinh doanh sai lầm 
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:.............. 

3. Tôi phải nhận dạy một lớp toàn học sinh kém.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............

4. Tôi không được học hành tử tế.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............
 
5. Người yêu tôi đã bỏ rơi tôi.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............
 
6. Tôi vừa bị cho “về vườn” sau 20 năm cống hiến cho công ty.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:.............. 

7. Thị trường nội địa cho sản phẩm của công ty tôi mang lại lợi nhuận rất thấp.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............

8. Sao tôi thấy môn học mới này khó hiểu quá.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............

9. Sếp cứ “chiếu tướng” tôi suốt.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............
 
10. Sau quyết định giảm lương, một số nhân viên đã rời khỏi công ty tôi.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó:..............


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...