Hình ảnh tái hiện trong tâm trí là cách bạn tái hiện những gì xảy ra xung quanh. Nói cho cùng, đây cũng chỉ là một cái tên hoa mỹ được đặt ra cho những suy nghĩ của bạn về thế giới bên ngoài.
Mỗi chúng ta tái hiện những trải nghiệm bên ngoài rất khác nhau. Đó là lý do tại sao hai người cùng gặp phải một sự việc, ví dụ như một thử thách khó khăn, lại nhận thức về nó rất khác nhau. Một người có thể nhìn nhận khó khăn trước mắt như nguồn cảm hứng khiến anh ta có động lực chinh phục nó. Một người khác có thể nhận thức khó khăn như một “ngọn núi cao chắn đường” khiến anh ta nản lòng.
Mỗi chúng ta tái hiện những trải nghiệm bên ngoài rất khác nhau. Đó là lý do tại sao hai người cùng gặp phải một sự việc, ví dụ như một thử thách khó khăn, lại nhận thức về nó rất khác nhau. Một người có thể nhìn nhận khó khăn trước mắt như nguồn cảm hứng khiến anh ta có động lực chinh phục nó. Một người khác có thể nhận thức khó khăn như một “ngọn núi cao chắn đường” khiến anh ta nản lòng.
Khi đi sâu vào tìm hiểu cách thức mọi việc tái hiện trong tâm trí, bạn sẽ học được cách điều khiển những hình ảnh này theo hướng giúp bạn có được cảm xúc tích cực, mạnh mẽ.
Chúng ta tái hiện suy nghĩ của mình liên tục thông qua hình ảnh (thị giác), âm thanh (thính giác) và cảm giác (cảm nhận), tất cả đều được phát sinh trong tâm trí. Chúng ta cũng có khuynh hướng tự đối thoại với bản thân qua giọng nói bên trong (độc thoại nội tâm).
Do đó, để điều khiển cảm xúc của mình, bạn phải học cách điều khiển hai yếu tố chính; NHỮNG GÌ bạn tập trung suy nghĩ và CÁCH THỨC suy nghĩ của bạn.
NHỮNG GÌ BẠN TẬP TRUNG SUY NGHĨ ẢNH HƯỞNG TRẠNG THÁI CẢM XÚC CỦA BẠN
Mỗi một giây phút trôi qua, có khoảng hai triệu mẩu thông tin “bắn phá oanh tạc” não bộ của bạn. Do không thể xử lý hết thảy mọi thứ, tâm trí bạn có khuynh hướng sàng lọc những tác nhân kích thích này và tập trung vào một vài thông tin chọn lọc trong mỗi lần nhận. Bởi thế, khi bạn suy nghĩ về một chuyện xảy ra trong quá khứ hay tương lai, bạn sẽ tập trung chủ yếu vào một khía cạnh nào đó của vấn đề. Và những hình ảnh bạn chọn để tập trung suy nghĩ trở nên “thực tế nhất” trong tâm trí bạn, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của bạn.
Một số người có thói quen xoáy sâu vào những hình ảnh, âm thanh, cảm giác khiến họ có cảm xúc tiêu cực trong khi những người khác lại tạo ra những hình ảnh, âm thanh, cảm giác khiến họ trong trạng thái tích cực.
Nhất là khi đối diện với thất bại, những người bi quan thường vẽ lên bức chân dung tự họa về bản thân họ như là kẻ làm hỏng hết mọi việc. Một số khác thậm chí còn quay đi quay lại những “đoạn phim buồn” trong đầu. Họ liên tục mường tượng bản thân mình phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhận lãnh hậu quả tồi tệ và nghe thấy những giọng nói tiêu cực nhao nhao chung quanh. Nào là tiếng sếp la mắng, tiếng người thân trách móc, tiếng bạn bè chế nhạo... và cả tiếng tự sỉ vả bản thân: “Tại sao mình có thể ngu ngốc đến thế!”, “Tại sao lúc nào mình cũng làm hỏng việc?” hay “Trời ơi, mình thật đáng chết!”. Với những suy nghĩ như thế, bạn nghĩ họ sẽ phát sinh những cảm xúc gì? Chắc chắn là không tích cực chút nào.
Nhất là khi đối diện với thất bại, những người bi quan thường vẽ lên bức chân dung tự họa về bản thân họ như là kẻ làm hỏng hết mọi việc. Một số khác thậm chí còn quay đi quay lại những “đoạn phim buồn” trong đầu. Họ liên tục mường tượng bản thân mình phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhận lãnh hậu quả tồi tệ và nghe thấy những giọng nói tiêu cực nhao nhao chung quanh. Nào là tiếng sếp la mắng, tiếng người thân trách móc, tiếng bạn bè chế nhạo... và cả tiếng tự sỉ vả bản thân: “Tại sao mình có thể ngu ngốc đến thế!”, “Tại sao lúc nào mình cũng làm hỏng việc?” hay “Trời ơi, mình thật đáng chết!”. Với những suy nghĩ như thế, bạn nghĩ họ sẽ phát sinh những cảm xúc gì? Chắc chắn là không tích cực chút nào.
Những người lạc quan lại có phản ứng khác khi họ vấp ngã. Họ chọn việc tái hiện thất bại như một bài học kinh nghiệm chỉ dẫn cho họ cách giải quyết vấn đề. Thay vì bị ám ảnh bởi những hình ảnh tồi tệ, họ tập trung vào việc rút kinh nghiệm, và làm thế nào để họ hành động tốt hơn vào lần sau. Thậm chí họ còn tưởng tượng bản thân họ thành công rực rỡ trong tương lai bằng việc áp dụng những gì họ học hỏi từ kinh nghiệm trong quá khứ. Họ nghe thấy tiếng người reo hò, tiếng sếp chúc mừng họ khi họ đạt thành tích. Họ tự động viên bản thân: “Lần sau chắc chắn mình sẽ làm được!”, “Mình sẽ chứng tỏ là mình có thể biến chuyển tình thế!”. Hay họ suy nghĩ về những trải nghiệm của mình một cách tích cực: “Được rồi, mình học được kinh nghiệm gì từ việc này nào!”. Hiển nhiên, những người này sẽ có cảm xúc tuyệt vời.
Tâm trí của bạn không bao giờ tĩnh lặng hay “ngồi chơi xơi nước”, ngược lại, nó liên tục “chạy chương trình” trong suốt thời gian bạn hoạt động trong ngày. Do đó, việc làm chủ suy nghĩ của bạn là yếu tố quan trọng giúp bạn có được cảm xúc tốt đẹp suốt cả ngày.
Nào, bây giờ bạn hãy bắt đầu nhận thức về những suy nghĩ thường nảy sinh trong tâm trí khi bạn sắp sửa đảm nhận một nhiệm vụ gian nan thử thách nào đó. Ví dụ, ngay trước giờ phút thuyết trình quan trọng hay viết một bài báo cáo khó khăn, bạn thường nghĩ gì? Bạn có phải thuộc tuýp người cứ nghĩ về mức độ khó khăn của vấn đề không?
Cùng một thử thách đó, tại sao một số người tỏ ra quyết tâm chinh phục nó, còn những người khác lại có vẻ lo sợ?
Một sự thật thú vị là đa số chúng ta không quyết định được những hình ảnh, âm thanh và cảm giác đang diễn ra trong tâm trí chúng ta một cách có chủ ý. Tâm trí của bạn dường như luôn ở chế độ tự động và chỉ trong vòng vài giây khi gặp phải khó khăn, nó sẽ nhanh chóng tạo ra những hình ảnh tái hiện trong tiềm thức. Những hình ảnh tái hiện trong tâm trí này phụ thuộc vào những điều kiện trong quá khứ như thói quen suy nghĩ của bạn.
Nghe thật đáng sợ đúng không nào? Có vẻ như trong quá khứ, bạn chưa có nhiều kỹ năng quản lý tâm trí của mình. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người để cho cảm xúc chế ngự họ. Nếu muốn làm chủ tư duy và cảm xúc, bạn phải bắt đầu làm chủ những gì bạn tập trung suy nghĩ ngay từ bây giờ. Hãy bắt đầu bằng việc toàn tâm chú ý vào những “chương trình” đang chạy trong tâm trí bạn. Nếu bạn phát hiện những suy nghĩ của bạn không mang lại cảm xúc tích cực cho bản thân, hãy thay đổi chúng ngay. Nói một cách ngắn gọn, hãy thay đổi NHỮNG GÌ bạn tập trung suy nghĩ một cách có ý thức. Mỗi khi những suy nghĩ tích cực này tản mát đi đâu mất, hãy thổi còi gọi chúng quay lại. Khi bạn điều khiển tâm trí một cách có chủ ý, hãy tránh xa các yếu tố làm phân tán tư tưởng bạn. Hãy tìm một góc yên tĩnh hay đi dạo một mình.
ĐIỀU KHIỂN SỰ TẬP TRUNG SUY NGHĨ
Hàng ngày, tất cả chúng ta đều đương đầu với ba tình huống quan trọng. Chính trong những thời điểm này mà bạn phải bắt đầu làm chủ những suy nghĩ của mình nếu bạn muốn thành công tột bậc.
Những gì bạn tập trung suy nghĩ tức là những hình ảnh bạn hình dung trong tâm trí, những âm thanh bạn tạo ra, những câu nói bạn tự đối thoại với mình và cảm giác bên trong bạn.
TÌNH HUỐNG 1
Đây là lúc bạn chạm trán một việc khó khăn ngăn đường cản lối bạn đạt được mục tiêu.
Ví dụ, bạn bị cắt giảm biên chế, khách hàng hủy bỏ hợp đồng, nhân viên giỏi nhất của bạn từ chức hay sản phẩm của bạn bị lỗi trong quá trình sản xuất và bạn bị khách hàng than phiền.
Bạn phải tập trung suy nghĩ về:
- Những phương án giải quyết, những gì bạn có thể làm để vượt qua khó khăn.
- Những triển vọng hay cơ hội mới.
Khi bạn đụng độ thử thách trên con đường đi đến thành công, hãy hình dung bản thân bạn làm tất cả mọi việc để vượt qua nó hoặc nắm bắt những cơ hội mới đi chung với thử thách này. Một số câu hỏi tích cực mà bạn có thể tự nói với bản thân (độc thoại nội tâm):
- “Làm thế nào để mình giải quyết việc này?” hay
- “Làm thế nào để mình xoay chuyển tình thế?” hay
- “Làm sao để mình tìm được cơ hội trong tình huống này?”
Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hướng suy nghĩ của mình vào việc tìm cách giải quyết vấn đề.
TÌNH HUỐNG 2
Đây là thời điểm bạn không đạt được kết quả mong muốn.
Ví dụ, bạn không bán được hàng, không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra, bại trận trong một cuộc thi đấu, hoặc không được thăng quan tiến chức.
Bạn phải tập trung suy nghĩ về:
- Những kinh nghiệm mà bạn học được từ việc này
- Làm thế nào để bạn thành công vào lần sau.
Bằng cách này, bạn sẽ tiếp tục cảm thấy có động lực, phấn khởi và sẽ liên tục hành động cho đến khi thành công.
TÌNH HUỐNG 3
Đây là lúc bạn đối mặt với một nhiệm vụ hay một dự án gian nan thử thách.
Ví dụ, viết một bản báo cáo phức tạp, thuyết trình trước đám đông, thành lập công ty, đi phỏng vấn hay chào bán một sản phẩm. Tất cả chúng ta đều gặp phải những nhiệm vụ dễ khiến ta nản chí mỗi ngày. Đó là lúc bạn cần trực tiếp giải quyết vấn đề để ngày càng tiến bộ hơn và đạt kết quả tốt hơn. Khi liên tiếp vượt qua trở ngại một cách thành công, bạn sẽ tự tin hơn và bắt đầu nhận ra được tiềm năng bản thân.
Bạn phải tập trung suy nghĩ về:
- Cảm giác của bạn khi bạn đạt được thành công một cách dễ dàng
- Hình dung bản thân bạn làm việc đó một cách vui vẻ và đạt kết quả tốt
Nếu bạn phải bước lên thuyết trình, hãy hình dung bản thân bạn đứng nói trước đám đông thật tốt và sống động. Hãy mường tượng, bạn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía khán giả. Cảm giác của bạn như thế nào khi nghe tiếng vỗ tay nhiệt liệt? Hãy cảm nhận sự phấn khởi và đầy khí thế khi làm việc này. Hãy tự nhủ hay đặt ra những câu hỏi tích cực như...
- “Mình không thể nào đợi thêm giây phút nào nữa. Việc này thật thú vị quá đi!”
- “Làm thế nào để tôi làm việc hiệu quả?”
Khi tái hiện những thử thách trong tâm trí bạn bằng cách này, bạn tự đặt bản thân bạn vào trạng thái cảm xúc tốt nhất để hoàn tất nhiệm vụ.
ĐIỀU KHIỂN CÁCH THỨC TẬP TRUNG SUY NGHĨ CỦA BẠN
Cảm xúc của bạn không chỉ phụ thuộc vào NHỮNG GÌ bạn nghĩ mà còn phụ thuộc vào CÁCH nghĩ của bạn. Có lúc bạn rất muốn làm một việc gì đó, nhưng vào dịp khác bạn lại chẳng muốn làm việc này chút nào? Tại sao thế? Đó là vì mặc dù những hình ảnh, âm thanh và cảm giác được tạo ra trong tâm trí bạn xác định trạng thái cảm xúc của bạn, cường độ cảm xúc lại được điều chỉnh bởi CÁCH THỨC tạo ra những hình ảnh, âm thanh và cảm giác đó.
Điều này có nghĩa gì?
Bạn hãy nghĩ về một việc ăn một cây kem mát lạnh. Khi nghĩ về việc này, tôi muốn bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng hình ảnh trong tâm trí. Hãy hình dung hình ảnh bạn đang thưởng thức cây kem ngon ngọt. Hãy để ý những gì xảy ra xung quanh. Bạn nghe thấy âm thanh gì trong bức tranh này? Tiếng mút kem của bạn chăng? Bạn thường nói gì khi bạn nghĩ về việc này? Ví dụ, bạn thường reo lên, “Ngon tuyệt!”. Bây giờ, tôi muốn bạn lưu ý xem động lực thúc đẩy bạn ăn kem mạnh mẽ đến mức nào.
Kế tiếp, tôi muốn bạn thay đổi một vài chi tiết trong bức tranh ăn kem tưởng tượng này. Hãy nghĩ về hình ảnh đó và phóng đại nó gấp hai lần trong đầu bạn. Chuyện gì sẽ xảy ra với cường độ cảm xúc của bạn? Cảm giác thèm ăn kem của bạn có tăng lên không?
Nào, bây giờ bạn hãy điều chỉnh bức tranh sáng lên và kéo lại gần phía bạn hơn. Mức độ thèm ăn kem của bạn thế nào rồi? Nếu hình ảnh trong tâm trí bạn vẫn là một bức tranh tĩnh, hãy biến nó thành một đoạn phim trong đó mọi thứ đều chuyển động.
Tiếp đến, bật lớn tất cả những âm thanh tưởng tượng mà bạn nghe thấy xung quanh. Hãy bật dàn Âm thanh nổi hết cỡ, để cả hai tai bạn cùng nghe thấy. Cảm giác thèm ăn kem của bạn tăng lên nhiều không?
Với đa số mọi người, việc thay đổi yếu tố hình ảnh (thị giác) và âm thanh (thính giác) của sự việc làm tăng cường độ cảm xúc của họ một cách đáng kể.
Qua ví dụ này, chắc bạn đã hiểu được vấn đề. Những lúc bạn cảm thấy cực kỳ có động lực hay hào hứng làm một việc gì đó là do những hình ảnh trong tâm trí bạn có khuynh hướng to hơn, gần hơn, sáng hơn và sống động hơn. Những âm thanh và tiếng nói mà bạn tạo ra cũng có thể lớn hơn và gần hơn. Vào một dịp khác, bạn lại không cảm thấy muốn làm việc đó vì những hình ảnh, âm thanh mà bạn hình dung nhỏ hơn và xa xôi hơn.
Những yếu tố trong tâm trí mà bạn có thể thay đổi được gọi là các Giác Quan Nội Tại. Giác quan nội tại là một khái niệm do Tiến sĩ Richard Bandler, người đồng sáng lập NLP, phát triển.
Nếu bạn đã từng thưởng thức một bộ phim hay, bạn sẽ biết rằng để sản xuất ra một bộ phim nổi tiếng, các đạo diễn phải có khả năng dẫn dắt khán giả qua hàng loạt các trạng thái cảm xúc mạnh mẽ như hào hứng, sợ hãi, nôn nao, lãng mạn... Làm sao các đạo diễn có thể làm được điều này? Đó là nhờ họ điều khiển hình ảnh, âm thanh trên màn ảnh: từ góc độ quay, tốc độ quay, màu sắc, âm thanh, kích cỡ và khoảng cách, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ cảm xúc mà người xem phim cảm nhận được.
Nếu muốn khán giả có cảm giác cực kỳ phấn khích, các nhà đạo diễn phim sẽ tạo ra những hình ảnh di chuyển nhanh hơn và tăng âm lượng cũng như nhạc điệu phim. Để khán giả đạt được mức độ cảm xúc mạnh mẽ như ý muốn, họ sẽ phóng đại hình ảnh để thể hiện rõ nét mặt diễn viên và thậm chí đặt khán giả vào vị trí nhân vật (còn gọi là trải nghiệm dưới góc nhìn của người xem).
Để “đạo diễn” cảm xúc bản thân, bạn cũng cần phải làm tương tự như thế trong tâm trí . Ví dụ, để cảm thấy cực kỳ phấn chấn, não bộ của bạn phải tạo ra những hình ảnh và âm thanh theo một cách nào đó. Vấn đề nằm ở chỗ, đa số mọi người không biết cách đạo diễn bộ phim trong tâm trí mình. Họ cho phép tâm trí mình ở “chế độ“ vận hành tự động. Kết quả, họ không thể điều khiển cảm xúc của mình. Chúng ta hãy cùng thảo luận cách thức giúp bạn trở thành nhà đạo diễn cảm xúc của mình bằng cách điều khiển thuần thục các giác quan nội tại của bạn...
DƯỚI GÓC NHÌN CỦA BẠN HAY DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC
Hình ảnh trong tâm trí bạn có thể được thể hiện dưới hai góc độ: dưới góc nhìn của bạn hay dưới góc nhìn của người khác.
Tôi muốn bạn hãy nhắm mắt lại một chút và nghĩ đến một dịp vui nào đó của bạn trong quá khứ – một kỳ đi biển nghỉ mát với gia đình, một bữa tiệc sinh nhật hay lúc bạn được tăng lương, v.v... Khi nghĩ về dịp vui này, hãy để ý xem bạn thấy các chi tiết, trong tâm trí dưới góc nhìn của bạn (tức là bạn ở trong cơ thể bạn và nhìn thấy mọi việc xung quanh qua đôi mắt của bạn) hay dưới góc nhìn của người khác (tức là bạn nhìn thấy bản thân bạn từ đằng xa).
Tôi nhận thấy khoảng một nửa người dự các buổi chuyên đề của tôi thể hiện hình ảnh trong tâm trí dưới góc nhìn của họ trong khi phân nửa còn lại thể hiện hình ảnh dưới góc nhìn của người khác. Như bạn đã biết, trải nghiệm của BẠN phụ thuộc vào cách thức lập trình não bộ của bạn. Như vậy, bạn nên thể hiện hình ảnh sự việc trong tâm trí dưới góc nhìn của bạn hay dưới góc nhìn của người khác? Điều này có tạo ra sự khác biệt trong cảm xúc của bạn không? Hãy cùng thử nghiệm và khám phá. Bạn hãy quay trở lại dịp vui lúc nãy một chút.
Nếu bạn đang soi chiếu sự việc này dưới góc nhìn của bạn, tôi muốn bạn hãy thay đổi thành góc nhìn của người khác. Hãy tưởng tượng bạn bước ra khỏi cơ thể mình và đẩy những hình ảnh ra xa để bạn thấy được bản thân bạn và những người xung quanh từ đằng xa. Hãy lưu ý xem cảm xúc của bạn thay đổi như thế nào?
Bây giờ, nếu bạn đang xem lại sự việc này dưới góc nhìn của người khác, tôi muốn bạn đổi thành góc nhìn của mình. Hãy tưởng tượng chính bạn nhập vào cơ thể bạn và bước vào khung cảnh sự việc đó. Nhờ đó, bạn thấy được mọi người, mọi việc xung quanh bằng cặp mắt của mình và nghe thấy tiếng động xung quanh. Hãy lưu ý cảm xúc của bạn thay đổi như thế nào?
Vậy bạn cảm nhận sự khác biệt ra sao? Nếu bạn giống với hầu hết mọi người, bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn trải nghiệm sự việc dưới góc nhìn của mình, trạng thái cảm xúc của bạn mạnh mẽ hơn. Khi bạn nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của người khác, cường độ cảm xúc của bạn bị giảm xuống rõ rệt. Cách thể hiện hình ảnh sự việc (dưới góc nhìn của bạn hay của người khác) có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong trạng thái cảm xúc của bạn và kết quả mà bạn đạt được.
Trong số người quen của bạn, có ai lúc nào cũng buồn bã không? Những chuyện buồn xảy ra rất lâu rồi vẫn khiến họ đau khổ mãi đến giờ.
Trong thực tế, có những người hoàn toàn trái ngược với loại người trên. Chúng ta gọi đó là những người vô tư lự. Những người như thế có thể vừa trải qua những việc tồi tệ khủng khiếp nhưng họ vượt qua nỗi đau buồn rất nhanh và chẳng mấy chốc, họ lại quay lại trạng thái cảm xúc tích cực và tiếp tục cuộc sống của mình như thể không có gì trên đời có thể làm vẩn đục niềm vui sống của họ.
Tại sao họ cảm nhận các sự việc vui buồn khác hẳn với những người bi quan? Một lần nữa, đó là do cách thức nhìn nhận ký ức trong não bộ của những người lạc quan. Họ có khuynh hướng nhìn thấy những chuyện buồn dưới góc nhìn của người khác. Mặc dù họ vẫn rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình, họ không cảm thấy kiệt quệ cảm xúc khi nghĩ về những chuyện đó. Đồng thời, họ có thói quen nghĩ về những chuyện vui dưới góc nhìn của họ. Bởi vậy, họ luôn có cảm xúc tích cực về những chuyện vui đó, sau bao nhiêu năm vẫn vậy.
Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của các doanh nhân, giám đốc, chính trị gia, nhà đầu tư hay nhân viên bán hàng thành đạt. Tại sao? Bởi vì để thành công, giàu có hay thịnh vượng, bạn không thể tránh khỏi việc phạm sai lầm và thất bại. Do đó, bạn phải có khả năng học hỏi kinh nghiệm nhanh chóng, vượt qua cảm giác tiêu cực và có động lực tiếp tục hành động.
Vấn đề trở nên khá rõ ràng: chỉ đơn thuần chuyển đổi các giác quan nội tại (dưới góc nhìn của bạn hay người khác) mà bạn có thể tác động một cách tích cực lên trạng thái cảm xúc của mình đến mức như thế.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TĂNG CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC TÍCH CỰC / GIẢM CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC VỀ NHỮNG SỰ VIỆC TIÊU CỰC
CHUYỂN ĐỔI CÁC GIÁC QUAN NỘI TẠI ĐỂ TĂNG NGUỒN ĐỘNG LỰC HÀNH ĐỘNG / GIẢM CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC VỀ SỰ VIỆC TIÊU CỰC
XÁC ĐỊNH YẾU TỐ THÚC ĐẨY BẠN
Khi làm bài tập thử nghiệm về việc quản lý tâm trí và chuyển đổi cường độ cảm xúc, bạn sẽ nhận thấy rằng việc thay đổi một số giác quan nội tại không có tác dụng, trong khi một số khác chỉ mang lại hiệu quả thấp và số còn lại thì tạo ra sự khác biệt lớn khi được chuyển đổi.
Một số người cảm nhận cường độ cảm xúc của họ chuyển đổi rõ rệt nhất khi họ thay đổi thị giác nội tại. Một số khác lại có khuynh hướng thay đổi cảm xúc mạnh mẽ với cảm nhận nội tại còn thị giác nội tại không mang lại tác dụng cho họ.
Những giác quan nội tại mà khi được chuyển đổi tạo ra tác động lớn đến trạng thái cảm xúc của bạn được gọi là Yếu Tố Thúc Đẩy. Ví dụ, nếu việc thay đổi hình ảnh từ góc nhìn của người khác sang góc nhìn của bạn khiến nguồn động lực trong bạn nhảy vọt từ 2 đến 8, thì góc nhìn của hình ảnh chắc chắn là yếu tố thúc đẩy bạn.
ÁP DỤNG CÔNG THỨC CỦA CẢM XÚC: CHUYỂN ĐỔI GIỮA CÁC CẢM XÚC
Chúng ta đã biết rằng mỗi cảm xúc của chúng ta có một dáng vẻ điệu bộ riêng biệt gắn liền với nó. Tương tự, não bộ của chúng ta cũng có khuynh hướng thể hiện từng cảm xúc khác nhau trong tâm trí mỗi người.
Nếu bạn cảm thấy phấn khởi muốn làm một việc, đó là vì các giác quan nội tại của bạn được sắp xếp theo một cách nhất định. Ngược lại, khi bạn rơi vào trạng thái lười biếng và muốn trì hoãn công việc, các giác quan nội tại của bạn sẽ được thể hiện theo một kiểu khác.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong lúc cảm thấy lười biếng, bạn chuyển đổi các giác quan nội tại của bạn sang trạng thái hăng hái? Bạn sẽ lập tức cảm thấy có động lực làm đúng cái công việc mà bạn vừa cảm thấy lười và không muốn làm.
Quá trình này gọi là Áp Dụng Công Thức Của Cảm Xúc. Giải thích một cách cơ bản, trước hết bạn cần tìm được công thức hay “bản thiết kế” của cảm xúc phấn khởi trong tâm trí bạn. Sau đó, bạn mang “công thức cảm xúc phấn khởi” này áp dụng vào một sự việc khác, bạn sẽ lập tức cảm thấy phấn khởi về việc đó.
Quá trình này có năm bước chính:
Bước 1: Tìm hiểu các giác quan nội tại của trạng thái Lười Biếng.
Bước 2: Tìm hiểu các giác quan nội tại của trạng thái Hăng Hái.
Bước 3: Lưu ý sự khác biệt giữa các giác quan nội tại của hai trạng thái. Đây chính là các Yếu Tố Thúc Đẩy bạn.
Bước 4: Mang những giác quan nội tại của trạng thái Hăng Hái vào những lúc bạn cảm thấy Lười Biếng.
Bước 5: Thử nghiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét