Những lý do phổ biến nhất biện minh cho việc “không hành động” mà tôi thường nghe thấy là: “Tôi không có đủ động lực”, “Tôi quá lười”, “Tôi cảm thấy thiếu tự tin” hay “Tôi sợ rằng...”. Bạn có bao giờ như vậy không? Nếu có thì chuyện đó là... bình thường, bởi vì ai cũng từng có những lúc như thế.
Bạn hãy nghĩ xem, “thiếu động lực”, “sợ hãi”, “tự ti”, “lười biếng”, “muốn trì hoãn”,... chẳng qua chỉ là những cảm xúc của bạn. Và chính những cảm xúc ấy, chứ không phải lý trí, thúc đẩy hay ngăn cản bạn hành động.
Trong đa số trường hợp, chúng ta thừa biết rằng mình nên làm những việc này việc kia, nhưng rốt cuộc chúng ta lại không làm gì cả chỉ vì không cảm thấy muốn làm.
Ví dụ, đa số mọi người hiểu rằng mình nên tập thể dục ba lần một tuần để tăng cường sức khỏe, nhưng họ cứ trì hoãn mãi vì lười và vịn vào những lý do “muôn thuở” như “không có thời gian”. Một nhân viên bán hàng hoàn toàn nhận thức rõ là để đạt chỉ tiêu bán hàng, anh phải gọi 10 cú điện thoại
chào bán mỗi ngày, vậy mà anh lần lữa mãi vì không thích bị khách hàng từ chối. Một nữ viên chức thừa nhận rằng, việc thuyết trình tốt sẽ giúp chị thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng chị không dám bước lên bục vì sợ đối mặt với khán phòng.
Tương tự, chúng ta thường làm những việc mà chúng ta biết rõ là không nên làm chỉ vì bị cảm xúc thúc đẩy.
Ví dụ, nhiều người tin rằng việc ăn thêm một miếng bánh ngọt sẽ có hại cho tình trạng sức khỏe và hình thể của họ nhưng họ vẫn không cưỡng lại được sự cám dỗ vì thèm. Ai cũng biết rằng mình không nên ngủ nướng khi chuông báo thức reng, nhưng có người vẫn tiếp tục nằm, vì như thế “sướng” hơn.
Vì thế, cảm xúc của bạn mới là “nguồn lực” chính thật sự thúc đẩy hành động và cách cư xử của bạn trong mọi thời điểm. Bạn cảm thấy như thế nào thì bạn làm y như thế đó. Những cảm xúc tích cực như “hào hứng”, “đam mê”, “tự tin”, “hạnh phúc”, “phấn khởi”... khiến bạn hành động mạnh mẽ và đạt hiệu quả tối đa. Đồng thời, những cảm xúc tiêu cực như “lo sợ”, “hồi hộp”, “căng thẳng”, “lười biếng”, “buồn phiền”, “mệt mỏi”... ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình.
Cảm xúc thúc đẩy hành động của bạn và do đó, quyết định kết quả bạn đạt được. Những người luôn hành động nhất quán và gặt hái kết quả tốt đẹp là do họ lựa chọn để có được cảm xúc tích cực mỗi ngày. Chính những cảm xúc tích cực này cho phép họ tận dụng tối đa tiềm năng của họ và thành công tột bậc.
Vậy thì cảm xúc hằng ngày của bạn là gì?
Bạn thường mang trong lòng những cảm xúc tích cực hay tiêu cực?
Tôi muốn bạn hãy lấy bút và dành vài phút để làm bài tập sau đây.
BẢNG KIỂM KÊ CẢM XÚC CỦA BẠN
Hãy nghĩ xem từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng cho đến lúc bạn kết thúc một ngày và đi ngủ, bạn thường cảm thấy như thế nào? Bạn hãy tuyệt đối thành thật với chính mình và làm ngay bây giờ.
VD: Bạn cảm thấy ra sao vào mỗi buổi sáng? Khi bạn bước vào công ty? Khi bạn đi gặp khách hàng? Vào giữa ngày? Khi bạn trở về nhà sau một ngày làm việc? Khi bạn gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống? Khi bạn phải hoàn tất công việc cho kịp thời hạn? Khi mọi việc trở nên tồi tệ ngoài ý muốn của bạn?
Mười cảm xúc thông thường nhất của bạn mỗi ngày: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10?
Bạn đã hoàn tất bài tập này chưa? Nếu chưa, hãy quay lại làm ngay bây giờ vì đây là một bài tập cực kỳ quan trọng. Bây giờ, giả sử bạn đã có danh sách mười cảm xúc thông thường của mình, tôi muốn bạn hãy đánh dấu bên cạnh những cảm xúc tích cực đối với bạn như “hào hứng”, “mạnh mẽ”, “quyết tâm”... Đó là những cảm xúc khiến bạn hành động và đạt hiệu quả tối đa. Hãy làm ngay bây giờ.
Sau đó, tôi muốn bạn gạch chéo kế bên những cảm xúc tiêu cực đang kiềm hãm và ngăn cản bạn hành động như “lười biếng”, “uể oải”, “giận dữ”... Hãy làm ngay bây giờ.
Sau khi đánh dấu xong, hãy nhìn lại danh sách của bạn. Bạn có nhiều cảm xúc tích cực hay tiêu cực mỗi ngày? Như bạn đã biết, cảm xúc thúc đẩy bạn hành động và hành động tạo ra kết quả, do đó, danh sách này phản ánh chính xác việc bạn có đạt được kết quả bạn muốn hay không và đạt đến mức nào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét