CHÌA KHÓA CỦA SỨC MẠNH TUYỆT ĐỐI


Nếu bây giờ tôi nói với bạn rằng: “Bạn có thể làm chủ cuộc sống của mình. Bạn có thể ở vào vị trí đầy quyền lực để thay đổi bất cứ điều gì không mong muốn trong đời mình. Bạn cũng có khả năng thay đổi những người chung quanh, kết quả công việc, hoặc thậm chí cả cảm xúc của bạn nữa”, bạn sẽ nghĩ thế nào? Mọi việc nghe như có vẻ như quá tuyệt vời đến mức... khó tin được phải không?

CHỊU TRÁCH NHIỆM HOÀN TOÀN VỀ CUỘC SỐNG CHO BẠN SỨC MẠNH TUYỆT ĐỐI 

Bạn phải đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết tất cả những gì xảy ra cho mình. Đúng thế đấy, khi bạn có đủ can đảm làm như vậy, điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận sự thật rằng: bạn mới là người tạo ra những gì xảy ra trong đời mình. Và nếu bạn có quyền năng quyết định mọi chuyện, thì bạn sẽ có đủ sức mạnh để thay đổi kết quả theo cách bạn mong muốn. Vì thế, hãy can đảm gánh vác toàn bộ trách nhiệm cho những gì xảy ra với mình, trong tư thế của một người quyền lực tuyệt đối có thể thay đổi kết quả.

Ví dụ: Nếu bạn dám chịu trách nhiệm về việc mình chỉ lãnh được đồng lương rẻ mạt, điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận một thực tế rằng, những hành động và quyết định trong quá khứ của bạn đã dẫn đến việc bạn chỉ nhận được đồng lương đó ngày hôm nay. Khi nhận lãnh trách nhiệm và chấp nhận sự thật đó, bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận vấn đề theo một cách khác, và bỗng nhiên, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn là chỉ... than thở. Bạn sẽ thấy rằng, có lẽ do bạn chưa thể hiện tính năng động sáng tạo để xứng đáng hưởng thù lao cao hơn, hoặc giả bạn chưa chứng minh cho sếp thấy những giá trị thật sự của bạn, hoặc cũng có thể bạn đã chọn vào làm việc cho một công ty không đánh giá đúng năng lực thật sự của bạn. Cho dù vấn đề của bạn là gì đi nữa, thì khi bạn dám chịu trách nhiệm về nó, bạn lập tức đặt mình vào vị trí đầy quyền lực để làm một cái gì đó và thay đổi hoàn cảnh hiện tại. 
Chừng nào bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về một việc gì đó thì chừng ấy bạn có quyền kiểm soát nó. 
VIỆN LÝ DO VÀ ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC TƯỚC ĐI SỨC MẠNH CỦA BẠN  

Trong phần lớn trường hợp, thế giới và cuộc sống của bạn sẽ không thay đổi... trừ khi bạn thay đổi trước!  
Đã đến lúc bạn cần phải biết một sự thật rằng, mặc dù việc đóng vai trò nạn nhân khiến bạn có cảm giác được bù đắp phần nào, thì cái giá của nó cũng rất đắt. Chừng nào bạn còn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ai đó đã gây ra những khó khăn cho mình, thì bạn cũng đang dần tự hủy hoại quyền lực tuyệt đối của bản thân để làm chủ cuộc đời mình và thay đổi nó.  
Dĩ nhiên, khi tôi nói đến chuyện chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì xảy ra, tôi không có ý muốn nói là bạn phải tự trách móc bản thân. Chịu trách nhiệm và tự trách mình là hai việc hoàn toàn khác nhau. 

Tự đổ lỗi và sỉ vả mình hoàn toàn không phải là cách đứng ra chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc. Chịu trách nhiệm có nghĩa là bạn ý thức được rằng, những lựa chọn bạn đưa ra trong quá khứ dẫn đến kết quả ngày hôm nay. Vì thế, thay vì cảm thấy tồi tệ, bạn đặt mình vào tâm thế tích cực, bạn sẽ can đảm lựa chọn hướng đi của mình (thay vì để cho cuộc đời đưa đẩy) bởi vì bạn hiểu điều đó sẽ quyết định tương lai của bạn.  
Xin đừng ngồi đó mà mong mọi việc sẽ tốt hơn, hãy làm cho mình tốt hơn – Jim Rohn  
CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO CẢ NHỮNG CẢM XÚC CỦA BẠN

Khi bạn cảm thấy phấn khích và đầy động lực, bạn sẽ hào hứng bắt tay vào việc. Mọi sự sẽ trôi qua suôn sẻ, và cuối cùng bạn sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp. Ngược lại, trong tâm trạng bấn loạn và tuyệt vọng, bạn hiếm khi đưa ra được những quyết định sáng suốt, đúng đắn hoặc có thể làm việc đạt hiệu suất cao.

Thật không may đây là những kịch bản xảy ra nhan nhản hàng ngày: 
“Anh ta khiến tôi nổi điên lên”, “Vụ ly dị thật sự làm tôi tuyệt vọng”, “Lũ con tôi làm tôi phát cuồng lên mất”, “Công việc chồng chất và ông sếp không biết phân biệt phải quấy làm tôi muốn bỏ hết mọi thứ”.

Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác về những cảm xúc của mình, chừng ấy tình trạng cảm xúc của chúng ta vẫn sẽ nằm ngoài vòng kiểm soát. 

Nếu bạn đang ở trong tình trạng bấn loạn thì đó là điều mà bạn chọn.

Nếu bạn phấn khích thì đó là tâm trạng do bạn chọn. 

Nên nhớ, không ai có thể can thiệp vào việc bạn cảm thấy thế nào, trừ phi bạn cho phép họ làm thế.
Giây phút bạn nhận ra điều đó là giây phút bạn có thể chọn cho mình những loại xúc cảm khác hẳn.
Những người thành công chọn cho mình có cảm xúc tích cực nhằm mang đến cho họ sức mạnh, thậm chí cả trong những tình thế không thể tệ hại hơn nữa. Đó là cách mà họ thường xuyên nuôi dưỡng những cảm xúc có tác dụng thúc đẩy và động viên họ chiến thắng hoàn cảnh của mình. 


Bạn có muốn trở thành bậc thầy trong giao tiếp không? 


Một lần nữa, điều quan trọng nhất ở đây chính là bạn phải dám đứng ra chịu trách nhiệm về cách bạn tương tác với người khác, và cả những kết quả bạn có được từ cách thức giao tiếp của mình. Có như vậy, bạn mới có được sức mạnh tuyệt đối và có thể làm chủ trong mọi tình huống giao tiếp.


Mỗi khi giao tiếp với một ai đó, có phải bao giờ bạn cũng nhận được phản hồi như ý không? 

Khi bạn trình bày ý tưởng cho một người nào đó, có phải bao giờ họ cũng chấp nhận ngay ý tưởng của bạn không? 

Có phải thông điệp bạn phát đi lúc nào cũng được người khác hiểu theo cách bạn mong muốn không? 

Rõ ràng, bạn cũng biết câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là một tiếng “KHÔNG” dứt khoát lạnh lùng.


Vậy điều gì xảy ra khi bạn không có được phản hồi hay lời đáp mà bạn mong muốn? 

Một lần nữa, bạn có hai lựa chọn!


Bạn có thể chọn việc đổ lỗi cho người tiếp nhận là không có khả năng lĩnh hội, vô lý, không biết điều, bảo thủ, ngu dốt,... Nhưng bạn biết không, với sự lựa chọn như vậy, bạn chọn cách chịu thua vì không thể làm gì được nữa (lỗi là do người kia cơ mà). Và như thế, bạn đã đóng sập cánh cửa trước mũi bạn. 


Một nghiên cứu về những người giao tiếp bậc thầy, có ảnh hưởng lớn và lôi cuốn cho thấy, sở dĩ họ làm được như thế là vì họ đứng ra chịu trách nhiệm 100% cho thành công hay thất bại trong việc giao tiếp của mình.


Nếu A truyền đạt một ý tưởng nào đó cho B mà B không đáp lại bằng những phản ứng tích cực, A sẽ không đổ lỗi cho B. A chịu trách nhiệm và chấp nhận rằng cách thức truyền đạt của mình không hiệu quả. Bằng cách nghĩ như thế, A có thể thay đổi cách truyền đạt cho đến khi A có được phản hồi mong muốn từ B.
  
Bạn cần hiểu rằng, mỗi người khác nhau nhận thức về cuộc sống khác nhau, và mỗi người đều có một bộ lọc thông tin riêng bên trong não của mình. Khi bạn kể chuyện cười, sẽ có một số người cười cùng với bạn, trong khi đó cũng sẽ có những người khác không cười vì họ không thấy có gì buồn cười hết. Đó không phải là do nhóm thứ hai không có khiếu hài hước, mà chỉ vì họ quan niệm về tính hài hước khác với nhóm thứ nhất thôi. 

Là người giao tiếp giỏi, có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm trong giao tiếp, linh hoạt và có ý thức thay đổi cách truyền đạt của bạn. 

NGÔN TỪ, GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ 


Theo các nghiên cứu thì ngôn từ mà ta dùng chỉ tác động đến đối tượng giao tiếp vào khoảng 7%, trong khi đó giọng điệu có tác động 38%, và ngôn ngữ cơ thể có tác động đến 55%. Ngôn ngữ cơ thể là một khái niệm rộng, bao gồm: cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, tư thế, hơi thở, ánh mắt,... 


KHÔNG CÓ HỌC TRÒ CỨNG ĐẦU, CHỈ CÓ GIÁO VIÊN CỨNG NHẮC
  
BẠN LUÔN CÓ SỰ LỰA CHỌN
Nếu bạn quyết định chọn cách nghĩ tích cực và những niềm tin có sức mạnh, thế giới quanh bạn sẽ “tự nhiên" dần dần thay đổi theo hướng bạn mong muốn!  
CUỘC SỐNG THAY ĐỔI KHI BẠN THAY ĐỔI

Vì thế ...

Nếu bạn muốn có những đồng nghiệp tốt, hãy là một đồng nghiệp tốt.

Nếu bạn muốn lôi kéo được những nhân viên tài giỏi, hãy là ông/bà chủ tuyệt vời.

Nếu bạn muốn có con ngoan, hãy là bậc cha mẹ gương mẫu.

Nếu bạn muốn được cha mẹ yêu thương tin tưởng, hãy là đứa con ngoan.

Nếu bạn muốn có người bạn đời lý tưởng, hãy là người vợ hoặc chồng lý tưởng.

Nếu bạn muốn thu hút những khách hàng tốt, hãy tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.

HÃY NÓI “TÔI CHỌN” THƯỜNG XUYÊN HƠN

Những từ ngữ chúng ta dùng hàng ngày phản ánh cách chúng ta nghĩ và nhìn nhận về thế giới chung quanh. Khi dùng từ “tôi chọn” thường xuyên hơn, bạn sẽ bắt đầu nhìn mọi vật mọi việc với sức mạnh
mới và khả năng kiểm soát cao hơn bạn nghĩ là có thể.
   

Thay vì nói            Tôi tuyệt vọng               Hãy nói      Tôi chọn cảm giác tuyệt vọng
==> Họ không hiểu tôi                                Hãy nói     Tôi chọn cách giao tiếp làm họ không hiểu tôi
==> Doanh thu của công ty giảm sút          Hãy nói       Tôi chọn việc cho phép doanh thu đi xuống
==> Tôi toàn gặp những hậu quả tệ hại      Hãy nói         Tôi chọn việc gặp phải những kết quả xấu
==> Người ta toàn lợi dụng tôi                   Hãy nói        Tôi chọn việc để người khác lợi dụng
==> Sức khỏe tôi rất kém                           Hãy nói        Tôi chọn việc có sức khỏe kém.

Bằng cách liên tục “lựa chọn” tạo ra tất cả mọi thứ xung quanh mình, bạn ngay lập tức sẽ có năng lực để thay đổi chúng nếu bạn muốn.
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...