NHỮNG GÌ BẠN TIN TƯỞNG SẼ TRỞ THÀNH SỰ THẬT ĐỐI VỚI BẠN!



Bạn phải hiểu rằng niềm tin của bạn không bao giờ đúng tuyệt đối cả. Niềm tin không phải là một dữ kiện được chứng thực. Niềm tin chỉ là nhận thức, ý kiến, sự khái quát hóa của bạn về thế giới xung quanh. Trong mỗi niềm tin ấy, cho dù bạn tin nó đúng đến mức nào, sẽ luôn có một người nào đó tin vào một điều hoàn toàn trái ngược với bạn. Nếu bạn tin rằng hiện kinh tế đang rất khó khăn, sẽ có người tin rằng đây mới chính là thời điểm thuận lợi để kiếm tiền.

Điều quan trọng với chúng ta không phải là niềm tin ấy đúng hay không mà là việc nó tạo động lực hay cản trở chúng ta hành động. Hãy trả lời câu hỏi: “Niềm tin này có giúp tôi tận dụng khả năng tốt nhất để đạt mục tiêu không?”. Hay, “Niềm tin này có trói buộc tôi không?”. 

Mặc dù niềm tin không bao giờ đúng tuyệt đối, nó lại trở nên hoàn toàn đúng với những người tin vào nó. Đơn giản là vì những gì bạn tin trở thành thực tế đối với bạn.

Nếu bạn tin rằng bạn ngu ngốc, bạn sẽ trở nên ngu ngốc. Nếu bạn tin rằng bạn thông minh, bạn sẽ là người thông minh. Nếu bạn tin rằng bạn không may mắn, bạn sẽ luôn gặp xui xẻo. Nếu bạn tin rằng những cơ hội tuyệt vời đang chờ đón bạn, thì những điều may mắn sẽ kéo đến với bạn.

Dù bạn tin rằng mình có thể làm được hay không làm được việc gì, thì điều nào cũng đúng! – Henry Ford

Tại sao lại như thế? Bởi vì niềm tin của bạn là một trong những bộ lọc thông tin chính yếu, quyết định nhận thức của bạn về thế giới xung quanh. Ở bất cứ thời điểm nào, bạn không hề trải nghiệm thực tế mà là trải nghiệm nhận thức cá nhân của bạn về thực tế.

Não bộ của bạn luôn xóa bỏ, bóp méo những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận. Đây là lý do tại sao hai người cùng chứng kiến một sự việc giống nhau, nhưng nhận thức về nó rất khác nhau. Và nếu hai người đó tranh luận với nhau về sự việc đó, cả hai sẽ miêu tả những chuyện xảy ra hoàn toàn khác biệt.

Không phải là do người này hay người kia nói dối, mà vì cả hai đều đã xóa bỏ và bóp méo những gì họ nhìn thấy mà không hề hay biết, tùy vào niềm tin riêng của bản thân họ. 

Có bao giờ cha mẹ bạn cho rằng bạn vô trách nhiệm không? Bạn có thể làm hàng trăm việc một cách đầy trách nhiệm, nhưng họ chỉ nhớ một vài lần bạn vô trách nhiệm. Họ sẽ nói “Chậc chậc, con lại thế nữa rồi!”.

Tất cả chúng ta cũng hành xử như vậy với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Nếu ai đó nghĩ rằng một người bạn của họ tính tình rất ích kỷ, họ sẽ có khuynh hướng tập trung vào tất cả những sự việc chứng minh niềm tin của họ là đúng, và không nhận thấy rằng cũng có những lúc người bạn đó biết nghĩ cho người khác. Thậm chí nếu họ có nhận thấy đi chăng nữa, họ cũng sẽ bóp méo điều đó bằng cách nói rằng anh ta hẳn có mục đích xấu gì đây nên mới tử tế như thế. 

Vậy thì bất cứ những gì bạn tin đều trở thành sự thật đối với bạn. Niềm tin đó là “sự thật của riêng bạn”. 

Nếu một người phụ nữ tin rằng tất cả đàn ông trên thế gian đều không chung thủy, chị sẽ chỉ nhớ và tập trung vào những lúc chị thấy và nghe về chuyện đàn ông ngoại tình. Chị sẽ có khuynh hướng xóa bỏ trong tâm trí tất cả những trường hợp đi ngược lại niềm tin của mình. Chị cũng sẽ có khuynh hướng bóp méo những gì chị nhìn thấy và nghe thấy để củng cố niềm tin ấy. Nếu ông xã chị gọi điện nói rằng anh ta có việc gấp phải ở lại công ty nên về trễ, chị sẽ nghĩ gì? Chị có thể bắt đầu nghi ngờ anh ta ngoại tình, bởi vì chị tin rằng tất cả bọn đàn ông trên đời đều không chung thủy.

Phản ứng của chị sẽ ra sao? Chị có thể tra vấn chồng, dò xét từng đường đi nước bước của anh ta, bắt đầu hoảng sợ, bất an và buồn phiền. Kết quả, mối quan hệ gia đình chị đứng bên bờ vực tan vỡ, đẩy anh ta đến cái việc mà chị lo sợ nhất.... bởi vì không ai có thể sống chung với một người vợ luôn cằn nhằn và nghi ngờ cả.

Trong thực tế, tôi đã thấy rất nhiều trường hợp niềm tin trở nên “linh nghiệm” như thế. Bất cứ việc gì bạn tin tưởng mạnh mẽ sẽ trở thành thực tế, bởi vì bạn sẽ hành động để củng cố niềm tin đó, do đó dẫn đến kết quả.


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...