Sự phát triển thần kỳ của Singapore


Làm thế nào mà Singapore trở thành một quốc gia phát triển với mức thu nhập bình quân trên đầu người lúc nào cũng nằm trong tốp dẫn đầu thế giới chỉ trong vòng 30 năm? Sau khi giành được độc lập vào năm 1965, chính phủ Singapore đối mặt với một thực tại phũ phàng là tất cả những gì Singapore có chỉ là một bán đảo nhỏ xíu và một triệu dân.

Singapore không có bất cứ nguồn tài nguyên thiên nhiên nào, ngay cả đất (vì diện tích quá nhỏ), thậm chí không có đủ nước ngọt. Tài nguyên duy nhất mà Singapore sở hữu tại thời điểm đó là nhân lực, nhưng nguồn “tài nguyên” này cũng chỉ bao gồm những người nhập cư trình độ thấp kém hoặc mù chữ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ,... cộng với dân chài Mã Lai bản xứ.

Thêm vào đó, xung đột giữa các băng nhóm giang hồ và giữa các sắc tộc lan tràn khắp nơi. Chưa kể nền kinh tế bị sút giảm hơn 70% vì người Anh rút về nước.

Với điều kiện hạn hẹp như vậy, nếu chính phủ Singapore suy nghĩ thực tế, chỉ dám đặt ra những mục tiêu nhỏ tăng dần và chấp nhận đứng “chầu rìa” bên những nước láng giềng rộng lớn hơn, giàu có hơn (lúc bấy giờ) và dồi dào tài nguyên hơn, thì có lẽ bây giờ Singapore cũng chỉ là một nước thuộc thế giới thứ ba.

Thay vào đó, chính phủ Singapore đã quyết tâm đưa đảo quốc sư tử vào hàng ngũ “thế giới thứ nhất” bằng cách mô phỏng theo mô hình của đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé. Trong bối cảnh của Singapore thời đó, mục tiêu ấy nghe có vẻ như một giấc mơ hão huyền và rồ dại. Tuy nhiên, chính mục tiêu đầy thử thách này đã “ép” những người lãnh đạo Singapore phải đưa ra những kế hoạch và chiến lược cực kỳ sáng tạo và hiệu quả.

Singapore quyết định đẩy mạnh nền kinh tế bằng cách quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng một cách có tổ chức, nhằm thu hút các công ty đa quốc gia từ Mỹ và Nhật đến đầu tư. Họ còn tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng với vô số ưu đãi hấp dẫn. Và khi những tập đoàn đa quốc gia đến với Singapore cũng là lúc hàng chục ngàn người dân có cơ hội làm việc, học tập và thăng tiến.

Bên cạnh đó, để tạo sự gắn kết trong xã hội, chính phủ cũng áp dụng hàng loạt các chính sách công bằng và chương trình hòa giải sắc tộc. Ngày nay, Singapore là một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ sống hòa đồng với nhau.

Singapore cũng xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới để có thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cung cấp cho nền công nghiệp và tài chính đang bùng nổ. Hiện nay, mục tiêu của Singapore là trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu khoa học (đặc biệt là công nghệ sinh học) và tài chính của thế giới.


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...