CÁC GIÁ TRỊ SỐNG: ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU CỦA BẠN


Bí quyết làm việc đạt hiệu quả tối đa: hành vi của bạn được thúc đẩy bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí. 


Thường thì bạn làm một việc gì đó vì bạn cảm thấy muốn làm, chứ không phải vì bạn nghĩ mình nên làm. 

Chẳng hạn, một số người hiểu rõ họ không nên hút thuốc vì bên cạnh việc lãng phí tiền bạc, thuốc lá có thể giết chết họ, và người thân của họ có thể hít phải khói thuốc còn độc hại hơn trực tiếp hút thuốc. Nhưng về mặt cảm xúc, họ vẫn tiếp tục bật lửa đốt thuốc hút để có được cảm giác thư giãn
hoặc tự chủ do việc hút thuốc mang lại. 

HOẶC về mặt lý trí, bạn biết rằng mình cần hành động để theo đuổi mục tiêu nhưng về mặt cảm xúc, bạn lại trì hoãn, nấn ná không hành động do bị chi phối bởi cảm giác lần chần, lưỡng lự hoặc thậm chí sợ hãi 

Nói một cách cụ thể hơn, có hai loại cảm xúc thường xuyên thúc đẩy bạn: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. 

Bất kể bạn làm điều gì thì cũng là vì bạn nghĩ nó sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc tích cực như vui vẻ, an lành, mạnh mẽ, thành công và tự do. Trong khi đó, bạn có khuynh hướng tránh xa những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, thất vọng, đau đớn về thể xác, mất mát hoặc bất an. 

Tại sao con trai lớn lên cưới vợ, con gái lớn lên lấy chồng? 

Một mặt người ta đến với hôn nhân vì nghĩ cuộc sống gia đình sẽ giúp họ có được những cảm xúc tích cực, đó là mối tình thiên trường địa cửu, hạnh phúc dài lâu, sự đồng cam cộng khổ và cảm giác thoải mái bên người bạn đời. Đồng thời, cũng có những cặp trao nhẫn cho nhau bởi vì họ tin rằng sự kết hợp hai nửa của nhau sẽ giúp họ thoát khỏi cảm giác cô đơn, trống vắng, tuyệt vọng hay bất an.

Vậy tại sao lại có những người nhất quyết không bao giờ lấy chồng/lấy vợ? 

Đó là bởi vì đối với họ, hôn nhân mang một ý nghĩa khác hẳn. Họ nguyện sống độc thân suốt đời vì họ cho rằng hôn nhân là xiềng xích khiến họ mất hết tự do hạnh phúc. Họ tránh xa hôn nhân vì trong đời mình, họ thường gặp những cặp vợ chồng bất hạnh Hoặc có lẽ cha mẹ họ cũng là một sự kết đôi không trọn vẹn.

Con người ai cũng mong muốn cảm xúc tích cực và tìm cách tránh né cảm xúc tiêu cực.

Tất cả chúng ta đều muốn được người khác nhìn nhận, được thành công, có một cuộc sống hạnh phúc, yên vui, thoải mái và không bị gò ép, câu thúc. Cùng lúc đó, chúng ta sẽ làm tất cả để thoát khỏi cảm giác nhục nhã, xấu hổ, bị từ chối, buồn chán, đau đớn về thể xác và nghèo khó. 

Tuy vậy, trong tâm tư, mỗi người gán cho những cảm xúc nói trên một tầm quan trọng khác nhau. 

Những cảm xúc tích cực được định nghĩa là các “giá trị kéo”, bởi vì tất cả chúng ta đều bị “kéo” về hướng những cảm xúc đó. Ngược lại, những cảm xúc đau đớn mà ai cũng muốn tránh né được gọi là các “giá trị đẩy”

Mỗi người sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng một cách khác nhau. 

Ví dụ, một số người coi trọng tình cảm hơn thành công, trong khi những người khác lại đặt thành công lên trên mọi thứ. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên này ảnh hưởng trực tiếp đến những lựa chọn của họ trong cuộc sống. 

Hãy giả sử một người (tên Jeff) cho rằng tự do và vui thú là những giá trị mà mình hướng tới. Hãy so sánh anh ta với Sam, người lại đặt cảm giác an toàn và thoải mái lên hàng đầu. Thế họ có cư xử khác nhau và đưa ra những quyết định khác nhau không? Hẳn nhiên rồi. Liệu họ có cùng lựa chọn về nơi nghỉ mát không? Làm gì có chuyện đó. Jeff có thể sẽ đi leo núi trong khi Sam lại thích những tua du lịch văn hóa như đi thăm viện bảo tàng và dạo quanh các buổi triển lãm nghệ thuật.

Họ cũng sẽ sắm những chiếc xe hơi khác nhau, cưới những cô vợ có tính cách khác nhau và chắc chắn là làm những công việc không giống nhau. Jeff sẽ thích lái xe thể thao, trở thành một nhà đầu tư hoặc nhân viên bán hàng. Sam chắc hẳn sẽ thích sở hữu một chiếc xe Volvo và là một công chức mẫu mực. 

Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao cách thức sắp xếp các giá trị đẩy của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến những quyết định mà bạn đưa ra và những việc bạn làm. 

Chẳng hạn, nếu cô Sally coi việc bị từ chối là điều cần tránh xa hơn là sự cô đơn, điều đó có nghĩa là cô ấy cho rằng việc bị từ chối sẽ làm cô bị tổn thương nhiều hơn là cảm giác cô đơn trống vắng. Nếu có cơ hội, thậm chí là cơ hội vàng, khi Sally gặp được Bạch Mã Hoàng Tử của mình, cô ấy sẽ không dám tiếp cận vì sợ nhận được câu trả lời, “Xin lỗi, anh không yêu em”. Mặc dù cô ấy cũng sợ tình cảnh cô đơn, suốt đời không có một người đàn ông bên cạnh nhưng nỗi đau khi bị từ chối đối với cô ấy lớn hơn nhiều so với nỗi đau của tình cảnh “đi sớm về khuya một mình”. Và thế là cô ấy sẽ chẳng dám làm gì để tiến đến gần người đàn ông trong mộng.
Đối với Christine thì mọi việc lại khác hẳn. Christine nghĩ nỗi cô đơn đáng sợ hơn cảm giác bị chối từ. Nói cách khác, Christine sợ nỗi đau của tình cảnh lẻ bóng hơn là cảm giác hụt hẫng khi bị từ chối. Nếu trong cùng một hoàn cảnh, Christine sẽ quyết định tiến một bước đến gần một người đàn ông nào đó, chấp nhận khả năng bị từ chối chứ không thúc thủ để rồi suốt đời chịu cảnh phòng không gối chiếc.

Vì thế, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần biết rõ giá trị kéo của mình là gì (những cảm xúc mà bạn muốn có được) và giá trị đẩy của mình là gì  (những cảm xúc mà bạn muốn tránh xa). 

Thứ hai là SẮP XẾP THỨ TỰ ƯU TIÊN CHO CÁC “GIÁ TRỊ KÉO” VÀ “GIÁ TRỊ ĐẨY”

Ví dụ, nếu bạn phát hiện rằng đối với bạn, sự tự do và vui thú có giá trị hơn nhiều so với những thành tích đạt được, điều này có thể giải thích tại sao bạn không tiến xa trong sự nghiệp. Đổi lại bạn có được mối quan hệ gắn bó sâu sắc với bạn bè, hơn những người có chí tiến thủ trên đường công danh. 

Một khi biết rõ các giá trị sống của mình, bạn sẽ hiểu được những giá trị ấy có giúp bạn tiến đến gần cuộc sống mà bạn khao khát không hay chúng chỉ gây trở ngại cho bạn trong việc đạt được mục tiêu. Vấn đề đặt ra đối với đa số mọi người là họ không biết họ thật sự mong muốn điều gì trong cuộc sống. Thật ra, có nhiều người sống có mục đích rõ ràng hẳn hoi nhưng lại không hiểu tại sao mình chẳng có động lực tiến về mục tiêu đã định. Nguyên nhân là vì họ có thể biết mình muốn gì nhưng lại không hiểu rõ tại sao họ muốn thứ đó – họ không biết các giá trị thúc đẩy họ. 

Vì muốn tìm hiểu động lực thúc đẩy của những người bán bảo hiểm trong tốp 5% thành công ở Singapore, tôi đã phỏng vấn ba nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này. MỖI NGƯỜI CÓ NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG KHÁC NHAU
  
Người phụ nữ đầu tiên cho biết: động lực thúc đẩy chị là tình yêu gia đình. Hàng ngày chị thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, sắp đặt lịch làm việc trong ngày, gọi các cuộc điện thoại và tuần tự hoàn tất mọi việc. Gia đình bao giờ cũng hiện diện trong tâm trí chị. Những ý nghĩ thường trực về gia đình không những không làm chị phân tâm trong công việc mà còn có tác dụng ngược lại. Chị luôn cảm thấy có động lực làm việc mỗi khi nghĩ rằng những công việc chị đang làm sẽ mang lại cho gia đình những thứ mà trước đó chị không thể mang lại. Giá trị gia đình, vì lẽ đó, đi đôi với mục tiêu thành công trong sự nghiệp của chị.

Người thứ hai mà tôi phỏng vấn là một người đàn ông. Với người này, gia đình không phải là động lực phấn đấu, mà chính men say chiến thắng khi vượt lên trên các đối thủ và trở thành người giỏi nhất mới là nguồn “nhiên liệu” của ông. Rõ ràng, người bán bảo hiểm hiếu thắng này rất coi trọng giá trị kéo – đạt được thành tích cao nhất. Cùng lúc đó, cảm giác đau đớn, hụt hẫng của người về nhì là thứ ông muốn tránh xa. Bạn có nhận thấy, tại sao ông lại tiến xa trên con đường sự nghiệp không? Vì rằng, tương tự như người phụ nữ trên, những giá trị thúc đẩy của người đàn ông này cũng trùng với mục tiêu nghề nghiệp của ông.

Nhân vật thứ ba lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Cô nói rằng, mỗi khi bán được một hợp đồng bảo hiểm, cô cảm thấy thật tuyệt vời bởi vì cô biết rằng mình vừa giúp mang lại sự an toàn cho một gia đình. Đồng thời, cô đâm ra lo lắng cho bất cứ khách hàng nào chưa được bảo hiểm đúng mức. Cô cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm trong việc lo sao cho tất cả các khách hàng của mình đều được bảo hiểm đầy đủ trong trường hợp rủi ro. Hai giá trị kéo và đẩy này giục giã cô, xui khiến cô tiếp tục tiến về phía trước bất chấp việc phải lao động vất vả và có thể bị từ chối. Giống như hai đồng nghiệp nói trên, các giá trị sống của cô – “sự quan tâm và đóng góp cho xã hội” và “tạo sự khác biệt trong cuộc sống” – là những mũi tên chỉ cùng hướng với mục đích trong đời cô. 

Khi tôi làm việc với những nhân viên bán bảo hiểm có thành tích dưới trung bình và không bao giờ đạt được chỉ tiêu đề ra, tôi phát hiện ra lý do là vì những giá trị sống của họ hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của họ.

Một người trong số đó cũng muốn trở thành người bán bảo hiểm hàng đầu. Thật không may, giá trị sống mà anh hướng tới nhất lại là sự tự do và vui thú. Hiển nhiên, khao khát tự do và được vui thú lấn át mục tiêu nghề nghiệp của anh. Đối với người này, sự tự do và thú vui có nghĩa là làm một việc gì đó có thể mang lại cho mình niềm vui chóng vánh, tạm bợ. Vì thế anh tối ngày chơi gôn và giao du với bạn bè, thay vì chăm chỉ phấn đấu cho mục tiêu của mình. 

Trong khi đó, giá trị đẩy cao nhất của anh lại là cảm giác bị từ chối. Nỗi sợ bị từ chối khiến anh luôn trì hoãn không dám gọi điện cho những khách hàng tiềm năng. Anh ghét khi bị người ta nói “không” vào mặt. Vậy, bạn có thể hiểu được vì sao anh không đạt được mục tiêu “bán bảo hiểm giỏi nhất” của mình rồi đúng không? 
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Lưu trữ Blog

Recent Posts

Bài đăng nổi bật

Tổng quan về "giao tiếp"

 Giao tiếp là 1 quá trình có 2 phần: - Giao tiếp với chính mình (nhìn nhận bản thân) - Giao tiếp xã hội (với người khác) Việc tự nhìn nhận b...