HÃY MÔ PHỎNG MÔ THỨC THÀNH CÔNG CHỨ KHÔNG PHẢI MÔ THỨC TẦM THƯỜNG MỘT CÁCH CÓ Ý THỨC
Một số học viên của tôi công nhận sức mạnh ấn tượng của việc mô phỏng dáng vẻ điệu bộ. Tuy nhiên, họ cảm thấy không thoải mái với việc “bắt chước” phong cách người khác. Họ bảo, “Tôi không thích việc này vì tôi cảm thấy không còn là mình nữa. Cứ như thể, tôi đang cố gắng trở thành
một người khác”.
Nghĩ như vậy, họ tự tước đi khả năng mô phỏng sự thành công và cơ hội đạt được những kết quả phi thường trong một thời gian ngắn.
Hãy suy nghĩ về hành vi và dáng vẻ điệu bộ của bạn hiện nay. Chúng đến từ đâu? Có phải bạn được sinh ra với cử chỉ, phong thái, giọng nói và hành vi như vậy không? Không phải. Bạn cư xử như ngày nay là vì từ hồi nhỏ, bạn đã mô phỏng hành vi dáng vẻ của những người xung quanh một cách vô thức. Bạn có thấy cách bạn nói hay cách bạn phản ứng với mọi việc đôi khi giông giống cha mẹ hay người bạn thân của bạn không? Đã bao giờ bạn hành xử theo một cách nào đó và bất thình lình bạn thốt lên, “Trời ơi! Mình giống y mẹ mình!”?
Phong thái cử chỉ của bạn cũng có thể đến từ những người mà bạn ngưỡng mộ (vì bất kỳ lý do gì), và bạn áp dụng cho riêng mình mà không hề biết. Kết quả là vô tình mà bạn mô phỏng nhiều hành vi kém hiệu quả và trạng thái cảm xúc tiêu cực của những người xung quanh.
Nếu bạn nói chuyện không khéo léo, đó là vì bạn (một cách vô thức) mô phỏng những người giao tiếp kém hiệu quả khi bạn còn nhỏ. Nếu bạn hay quyết định sai lầm và liên tục cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin, đó là do bạn vô tình bắt chước bạn bè hay gia đình. Vậy thì đây có phải là lúc bạn nên chủ động xóa đi những mô phỏng kém hiệu quả trong quá khứ và làm theo những người thành công không?
Ngoài ra bạn cần hiểu là việc mô phỏng này không chỉ đơn giản là bắt chước. Đó là việc sao chép mà dựa trên đó, bạn cải thiện hay sửa đổi sao cho phù hợp với phong cách bản thân.
Giả sử bạn là phụ nữ và phải mô phỏng dáng vẻ chính xác của một diễn giả nam. Vậy thì rất kỳ dị, đúng không? Do đó, bạn cần phải điều chỉnh một số yếu tố trong dáng vẻ điệu bộ của người đó để phù hợp với tính tình của bạn. Bằng việc mô phỏng mô thức thành công của ba diễn giả vĩ đại mà bây giờ tôi thể hiện cả ba phong cách khi diễn thuyết. Tôi chọn ra những gì tốt nhất, tổng hợp lại và nhào nặn để biến chúng thành của riêng tôi. Đó chính là nghệ thuật mô phỏng dáng vẻ điệu bộ.
Bài tập: Hãy suy nghĩ xem! Bạn có thể mô phỏng người nào?
1. Khả năng giao tiếp
Bạn có biết ai giao tiếp giỏi không? Người nào có thể gây cảm tình với người khác dễ dàng và nói chuyện cực kỳ lôi cuốn, thuyết phục?
2. Cách ra quyết định
Hãy nghĩ về một người luôn ra những quyết định hiệu quả một cách tự tin.
3. Sự nghiệp của bạn
Bạn có thể mô phỏng ai đã và đang thành công trong nghề nghiệp hay sự nghiệp kinh doanh mà bạn đang theo đuổi? Một thầy giáo tài năng? Một người bán hàng vượt chỉ tiêu? Một nhà thương lượng tài tình? Một diễn giả tuyệt vời?
4. Sự tự tin
Bạn có biết ai luôn toát lên sự tự tin và quyền lực, được nhiều người tôn trọng không?
5. Động lực cá nhân
Bạn có thể mô phỏng người nào trong lĩnh vực động lực cá nhân? Ai luôn tràn đầy nhiệt huyết, dồi dào năng lượng cho dù mọi người xung quanh ở trong trạng thái tiêu cực đến mức nào?
6. Sức hấp dẫn
Bạn nhận thấy ai là người có dáng vẻ lôi cuốn và thu hút cả nam lẫn nữ? Một khi bạn đã xác định được những tấm gương phù hợp với bạn, hãy thử nghiệm tính hiệu quả của kỹ thuật này bằng cách làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Quan sát cách đi đứng, nhịp thở, cử chỉ và hành vi của người này. Quan sát vẻ mặt, tư thế và giọng nói của họ.
Bước 2: Nhẩm lại trong đầu những gì bạn quan sát được. Tưởng tượng bạn sẽ xuất hiện như thế nào nếu bạn là người này. Bạn sẽ phản ứng với mọi việc xung quanh ra sao? Bạn sẽ đi đứng, hít thở, hành động và cư xử như thế nào?
Bước 3: Thực hành những gì bạn nhẩm trong đầu. Tưởng tượng bản thân bạn là người thành công này và khoác lên người dáng vẻ của họ khi bạn làm việc hay giao tiếp với người khác mỗi ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét